Bảng lương mới được thiết kế như thế nào?
Bảng lương mới của khối Đảng, đoàn thể sẽ do Ban Bí thư quy định; lương khối QH do UB Thường vụ QH ban hành; Chính phủ quy định lương cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang.
Thông tin từ Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, trong quý 1 và 2 năm nay, các bộ ngành TƯ hoàn hiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại nghị quyết 27 của TƯ đến Bộ Nội vụ để tổng hợp.
Trong quý 3, 4 sẽ có bảng lương mới
Bộ Nội vụ với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sẽ phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, các giải pháp tài chính. Đồng thời tính toán khả năng cân đối nguồn lực trong tổng thể và rà soát, thống kế, đánh giá nguồn dư cải cách tiền lương của các bộ ngành, địa phương, nguồn tăng thu qua các năm.
Trên cơ sở đó, Thường trực Tổ biên tập hoàn chỉnh báo cáo về xây dựng cụ thể chế độ tiền lương mới.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức TƯ xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến Ban chấp hành TƯ vào hội nghị TƯ 12 (dự kiến vào tháng 5) để làm căn cứ xây dựng bảng lương chức vụ.
Ngoài ra, trong thời gian này, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức TƯ và các cơ quan liên quan báo cáo Ban chỉ đạo, Ban Cán sự đảng Chính phủ về quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị đã được Bộ Chính trị thông qua (do Ban Tổ chức TƯ chủ trì), phù hợp với phương án quỹ tiền lương do Bộ Tài chính tính toán.
Trong quý 3 và 4, các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới. Dự kiến Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức khu vực Đảng, đoàn thể.
UB Thường vụ QH ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đới với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của QH, UB Thường vụ QH.
Còn Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; các bộ ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức hội nghị tập huấn về chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021.
Quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng để tăng lương
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã báo cáo dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về nội dung quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo chỉ đạo của TƯ tại Nghị quyết số 27. Trong đó có các phương án thiết kế bảng lương, chế độ phụ cấp và phương án bố trí nguồn cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, theo mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết số 27, từ năm 2021 chúng ta thực hiện tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của lao động qua đào tạo trong khu vực DN.
Đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương, khắc phục tính bình quân, cào bằng làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Theo đó, tiền lương sẽ dần trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.
Để thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu hàng loạt giải pháp, trong đó có thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Cùng với đó, quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đồng thời, hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách TƯ cho cải cách chính sách tiền lương;
Ngoài ra, thực hiện bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...