Bằng mọi cách phải đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt cho người dân
Chiều 23-9, tại Tiền Giang Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ trong vòng 5 năm gần đây, ĐBSCL đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Hiện nay, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước về ĐBSCL đang bị thiếu hụt, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao trong mùa khô 2020-2021.
Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khác với quy luật nhiều năm, xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng.
Thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016. Độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều cường thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.
Xâm nhập mặn 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376ha.
Hạn, mặn đã làm thiệt hại 58.400 ha lúa, 25.120ha cây ăn trái, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông.
Tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng. Nguyên nhân xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, thủy triều ở mức cao…
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020, hạn, mặn ở ĐBSCL nặng nề hơn năm 2016.
Vấn đề đặt ra là cần thảo luận những biện pháp nào trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất tổn thất do hạn, mặn gây ra ở ĐBCSL, đảm bảo cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Nhớ lại năm 2016, hạn, mặn ĐBSCL diễn ra nặng nề, nhiều cánh đồng khô cháy, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thiệt hại nông nghiệp vô cùng lớn. Năm 2019, chúng ta lại gặp tình trạng hạn, mặn nặng nề hơn.
Nhờ chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và nhận thức của người dân nên thiệt hại giảm xuống, chỉ bằng khoảng 8% so với năm 2016. Nếu chúng ta chủ động ngay từ đầu năm thì tình hình thiệt hại hạn, mặn giảm thiểu rất lớn. Chính vì vậy, buổi làm việc hôm nay nhằm thảo luận, tìm giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một số chủ trương ứng phó sớm để các địa biểu cho ý kiến như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; có nên giảm diện tích lúa đông xuân hay không?...
Hiện nay đang mùa mưa, việc tích trữ nước ngọt, nạo vét kinh, rạch, đắp đập tạm, triển khai nhiều giải pháp tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.
“Bằng mọi cách chúng ta phải đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.