Bàng quả vuông thắm tình lính đảo
Ai đến tòa soạn Báo-Truyền hình Quân khu 5, rảo một vòng quanh khuôn viên đơn vị, đều dừng lại rất lâu bên khóm bàng quả vuông.
Bàng quả vuông có nhiều ở tuyến đảo, vậy cây bàng này đến từ đâu? Các phóng viên, biên tập viên luôn hãnh diện giới thiệu: “Đây là hương sắc, nghĩa tình của người lính đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi”.
Dăm năm trước, trong một chuyến hành quân ra đảo khám bệnh, cấp phát thuốc cho bộ đội và nhân dân Lý Sơn, các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần (Quân khu 5) rất cảm kích khi nhận được món quà “giã bạn” là 10 cây bàng quả vuông non. Số cây này được đem về trồng trong khuôn viên bệnh viện. Tình cờ xem báo, truyền hình của quân khu tường thuật sinh động mô hình ươm trồng cây bàng quả vuông ở đảo, Ban giám đốc bệnh viện quyết định gửi một cây tặng tòa soạn. Từ đó, loài cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của quân, dân huyện đảo, vượt qua phong ba bão táp luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, được các nhà báo-chiến sĩ chăm sóc, ngày càng tươi tốt, thể hiện mối gắn kết không thể tách rời giữa biển, đảo với đất liền.
Đặc trưng bàng quả vuông thích nghi tốt với mọi điều kiện thời tiết, cây trưởng thành có tán rộng, ít rụng lá. Hằng năm, vào mùa khoe sắc, những nụ hoa trắng nõn nà, to tròn, căng tràn nhựa sống lấp lánh dưới ánh mặt trời, đợi chờ thời khắc đêm về thắp sáng lên vẻ đẹp huyền ảo. Cây cho hoa theo từng chùm, mỗi chùm có từ 3-5 bông, nhụy trắng nõn nà, vươn dài như chùm tia pháo hoa, phía đầu tím biếc với lớp phấn vàng. Khi hoa đã rụng cũng là lúc quả bàng vuông lộ diện và lớn dần. Quả trưởng thành lớn hơn quả bàng thường gấp nhiều lần, nằm chật trong bàn tay người lớn, quả có 4 cạnh, nom như chiếc đèn lồng xinh xắn, đan trĩu cành. Đẹp, ý nghĩa vậy nên mô hình ươm giống bàng quả vuông được Ban CHQS huyện Lý Sơn triển khai từ năm 2011 nhằm phục vụ cho việc kiến tạo cảnh quan xanh trên đảo, hướng tới phát triển du lịch thân thiện và bền vững.
Người có công đưa cây bàng quả vuông về đảo Lý Sơn là Trung tá Nguyễn Văn Đào, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Ban CHQS huyện Lý Sơn. Trung tá Nguyễn Văn Đào nhớ lại những ngày đầu cặm cụi phơi khô, xới đất gieo hạt, chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì, anh cứ vào ra ngơ ngẩn. Khoảng 10 tháng sau, đến một ngày, mầm xanh bé xíu mọc lên. “Tôi hét toáng lên vì vui sướng khi thấy bàng quả vuông nảy mầm. Vậy là loài cây gắn liền với thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có thể nhân giống bảo tồn được rồi, có niềm hạnh phúc nào hơn thế. Quá trình ươm, cần kiên trì tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Điều quan trọng là phải biết cách chọn giống chất lượng cao, bảo đảm cho cây tăng trưởng tốt về sau”, Trung tá Nguyễn Văn Đào kể.
Từ vườn ươm này, bộ đội đem cây trồng dọc các tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện, quanh đảo. Đây cũng là món quà “đặc sản” giàu ý nghĩa được du khách thập phương tìm kiếm, sưu tầm, mang về ươm trồng trong đất liền. Hiện nay, ở Lý Sơn, loài cây này được trồng không chỉ để chắn sóng, chắn gió, giữ cát, chống xói lở và biển xâm thực mà còn làm cho vùng biển, đảo thêm lãng mạn, giàu chất thơ hơn. Du khách đến Lý Sơn tận mắt chiêm ngưỡng những chùm hoa bàng quả vuông hẳn sẽ được trải lòng cùng những cảm xúc chân thật và chợt thấy hạnh phúc từ những điều bình dị trong cuộc sống.
Với những nhà báo-chiến sĩ chúng tôi, ấn tượng nhất là sau khi những cơn bão quét qua, màu xanh trên đảo Lý Sơn mất đi rất nhiều, ấy vậy mà trong ngổn ngang ngã đổ ấy, loài bàng quả vuông lá vẫn thẳm xanh, cây vẫn vươn thẳng. Cây hiện hữu như nghĩa tình nồng ấm của những người lính đảo trong các tác phẩm báo chí, văn học-nghệ thuật. Với những cán bộ, phóng viên Báo-Truyền hình Quân khu 5, cây bàng quả vuông cũng là lời nhắn nhủ để mỗi người luôn ghi nhớ, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.