Băng tan, hồi sinh 'quái vật' 30.000 tuổi từng giết nhiều ma mút và người cổ đại
Các quái vật bé nhỏ nhưng vô cùng đáng sợ có thể được giải phong ấn nhờ tình trạng băng tan nhanh hơn dự báo trước đây, đem đến nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Mối lo ngại các dịch bệnh cổ đại, biến mất khỏi nhân loại hàng ngàn năm trước có thể bất ngờ quay trở lại từ các virus và vi khuẩn bị "phong ấn" bấy lâu trong băng Bắc Cực đang dần được hiện thực hóa bởi các nghiên cứu cụ thể.
Giáo sư Jean-Michel Claverie từ Đại học Aix-Marseille (Pháp) cho biết họ đã hồi sinh và phân tích thành công "virus Siberia cổ đại", một "quái vật" nhỏ đáng sợ từng được nhóm của ông đem về từ vùng băng giá vài năm về trước.
Những virus này không chỉ dễ dàng sống lại trong môi trường phù hợp ở phòng thí nghiệm, sau 30.000 năm bị niêm phong trong băng, mà còn được chứng minh là từng gây thảm họa trong thế giới những loài người khác. Nó đã gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến loài ma mút và cả con người, không phải tổ tiên chúng ta mà là người Neanderthals – một loài người khác đã tuyệt chủng.
Theo giáo sư Claverie, một số căn bệnh hiện đại hơn một chút cũng đang được niêm phong trong các khối băng có nguy cơ bị tan chảy sắp tới: bệnh than, bệnh đầu mùa và một số loại cúm. Bằng chứng là một sự kiện đáng sợ được ghi nhận năm 2016: một cậu bé 12 tuổi chết sau khi bị nhiễm bệnh than từ vùng đất hẻo lánh từ bán đảo Yamal thuộc Siberia: không có "F0", mà lây từ chính những mầm bệnh bị băng tan giải phóng.
Đây là một mối lo lớn bởi cách đây vài ngày, một nghiên cứu từ Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) cho thấy băng biển ở Bắc Cực đang tan nhanh hơn các mô hình khí hậu đã dự đoán.
Giáo sư Jens Hesselbjerg Christensen, tác giả chính của nghiên cứu về băng tan này, cho biết Bắc Băng Dương phải chịu nhiệt độ cao bất thường trong thời gian gần đây Phân tích về lõi băng cho thấy nhiệt độ trên dải băng Greenland đã tăng tới 10-12 độ chỉ trong vòng 40-100 năm.