Bảng tổng kết 10 phẩy, giáo viên chiều phụ huynh là hại học sinh
Một số nhà giáo dục cho rằng 9 em trong một lớp đạt điểm tổng kết từ 9,8 đến 10 là khó thực chất. Nếu cho điểm cao để phụ huynh hài lòng, thầy cô đang hại học trò.
“Một lớp có đến 9 em đạt tổng kết từ 9,8 trở lên á? Tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào tổng kết 10 phẩy. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy”, cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), không giấu nổi bất ngờ khi nghe đến bảng điểm “như mơ” tại trường THCS Đoàn Thị Điểm (Ninh Kiều, Cần Thơ).
Cô Giao khẳng định điểm tổng kết như vậy quá bất hợp lý và đáng lo hơn đáng mừng.
Điểm toàn 9, 10 khó thực chất
Cô Quỳnh Giao cho rằng với học sinh cấp THCS, điểm tổng kết khoảng 9,2 đến 9,3 đã rất cao. Điểm tuyệt đối gần như không thể. Học sinh lớp 7 học 12 môn. Trong một năm, các em phải làm rất nhiều bài kiểm tra, rất dễ sơ suất, nên khó đảm bảo lúc nào cũng 9, 10 điểm.
Thêm vào đó, nếu trong một lớp quá nhiều học sinh đạt điểm cao, đề kiểm tra có thể quá dễ. Giáo viên nên điều chỉnh, nâng độ khó để đảm bảo học sinh có động lực phấn đấu.
Cô nói thêm ngay cả trong quá trình dạy học, giáo viên cũng cần căn cứ trình độ học sinh trong lớp để điều chỉnh nội dung dạy học. Với lớp trung bình khá, thầy cô dạy đúng chương trình cơ bản. Nhưng nếu học sinh lớp đó học tốt, giáo viên nên nâng cao để giúp các em hiểu biết nhiều hơn.
Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cũng nghi ngại trước bảng điểm tổng kết 9,8 đến 10 của nhóm học sinh lớp 7 trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Ông cho rằng bảng điểm “đẹp đến khó tin” này xuất phát từ việc Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên khen học sinh. Theo ông, việc này đúng, nhưng một số giáo viên "hiểu một cách sa đà" nên "phóng tay" cho điểm.
“Điểm cao như vậy, thầy cô vui, phụ huynh cũng sướng, chụp ảnh khoe lên mạng sống ảo. Tuy nhiên, điểm đó khó thực chất”, ông Đạt nêu quan điểm.
Thầy giáo này nói thêm kể cả cho học sinh biết trước đề, các em cũng không thể đạt 10 điểm cho tất cả bài kiểm tra. Lý do có nhiều học sinh đạt điểm tổng kết 9,8 đến 10 vì là lớp chọn cũng không thuyết phục. Bài thi luôn có tính phân loại. Với lớp chọn, giáo viên cần ra đề khó hơn, cho đề dễ để ai cũng 10 điểm là hại các em.
Hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt khẳng định chuyện một lớp có đến 9 em tổng kết từ 9,8 trở lên không bao giờ tồn tại ở trường của mình. Giáo viên cần động viên học sinh. Với những em học yếu, tự ti, họ có thể cho câu hỏi dễ để giúp các em lấy lại tự tin, yêu học tập, nhưng cũng không để đến mức “vịt hóa thiên nga”, “cả lớp toàn hoa hậu” như vậy.
Ông nói thêm ở mọt số nước, để ngăn chặn trường hợp tương tự, họ khống chế mỗi lớp chỉ có 10% học sinh đạt điểm A, 20% điểm B, còn lại điểm C, D. Học sinh vào lớp nào cũng phải chấp nhận quy định như vậy, không phải lớp giỏi là 100% điểm cao.
"Nếu chấm điểm cao để chiều phụ huynh sẽ thành tai hại"
Bảng điểm "đẹp như mơ" của một lớp tại trường THCS Đoàn Thị Điểm cũng khiến cô Văn Quỳnh Giao, thầy Đào Tuấn Đạt lo lắng về bệnh thành tích trong giáo dục, cùng những tác động xấu đến học sinh.
Theo cô Quỳnh Giao, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn còn quá quan tâm điểm số. Con đi học về, họ thường hỏi xem hôm nay có bài kiểm tra nào không, được bao nhiêu điểm. Con được 9, 10, họ hài lòng; 5, 6 điểm sẽ không vui, thậm chí đánh, mắng con.
Nữ giáo viên kể câu chuyện một số em học lớp 6 có điểm 7, 8, trong khi thời tiểu học toàn 9, 10 điểm. Một số phụ huynh không chịu nổi, đặt ngay câu hỏi với trường. Cô Giao lại phải mời họ lên, giải thích để cha mẹ nắm được lực học thực chất của con.
Điểm cao như vậy, thầy cô vui, phụ huynh cũng sướng, chụp ảnh khoe lên mạng sống ảo. Tuy nhiên, điểm đó khó thực chất.
Hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt
Thầy Đào Tuấn Đạt cũng cho rằng bệnh thành tích chủ yếu xuất phát từ áp lực của phụ huynh.
“Một số cha mẹ thấy con đạt 9 điểm là không vừa lòng. Có người sẵn sàng gọi cô giáo chất vấn khi con được 8 điểm. Người ta can thiệp vào công việc chuyên môn nhiều quá, nghĩ con họ giỏi mà giáo viên không dạy tử tế. Cô giáo áp lực, đành cho điểm để phụ huynh hài lòng”, ông cho hay.
Cô Văn Quỳnh Giao đánh giá việc cho điểm theo kiểu chiều lòng phụ huynh rất tai hại. Điểm cao, giáo viên có thành tích, phụ huynh hài lòng nhưng chất lượng không đảm bảo.
“Nếu là phụ huynh, thấy lớp con mình nhiều bạn điểm cao như vậy, tôi thấy lo hơn mừng, không sung sướng gì đâu. Tôi phải đặt câu hỏi tại sao lớp toàn điểm 9, 10”, cô Quỳnh Giáo nói.
Theo nữ giáo viên, việc cố gắng chiều lòng phụ huynh, cho học sinh điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối, là hại học sinh, khiến các em tự kiêu, mất động lực phấn đấu.
Hơn nữa, nếu học sinh học lên lớp khác, giáo viên điều chỉnh cách đánh giá, không sẵn lòng cho điểm cao quá mức, các em dễ thấy không quen, thậm chí sốc.
Trong khi đó, ông Đào Tuấn Đạt cho rằng cho điểm cao khiến những em học khá, cố gắng hơn nhưng điểm vẫn như các bạn khác, nên cảm thấy không còn tin vào điểm số, thầy cô. Dần dần, các em mất niềm tin vào xã hội, thấy người khác tốt cũng không tin tưởng. Đây là cái mất lớn nhất.
“Với trẻ, điểm 4-5 là công sức của mình rồi được giáo viên khen khác hẳn việc cho từ 4 lên 9 điểm. Nâng điểm như vậy, trẻ không thấy vui. Người lớn còn triệt tiêu, xúc phạm lòng tự trọng của trẻ”, ông Đạt nhấn mạnh.
Ông hy vọng giáo viên chọn cách khen học sinh đúng cách, không phải chỉ thông qua điểm số. Phụ huynh bớt sống ảo, chăm chăm vào thành tích của con để khoe lên mạng xã hội.