Bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng có xáo trộn?
Bức tranh ngành ngân hàng đang dần lộ sáng khi các ngân hàng rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Những cái tên lọt Top10 lợi nhuận ngành cũng chứng kiến nhiều cuộc đổi ngôi.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục duy trì vị trí quán quân lợi nhuận với khoản lãi sau thuế 33.054 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp, lợi nhuận của ngân hàng này đã chậm lại trong quý 4/2023.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối giảm 22,4% và 24,9%. Tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank giảm 14,5% và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 27,6% trong quý cuối năm 2023.
Nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quý cuối năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã vươn lên giành vị trí á quân từ tay Techcombank với lợi nhuận sau thuế 22.027 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm và giữ vững danh hiệu ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Cho vay khách hàng tăng trưởng 16,8%, lên 1,78 triệu tỷ đồng, cũng dẫn đầu toàn ngành.
Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cải thiện một bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ ba với lợi nhuận 20.667 tỷ đồng, tăng 18,3%. Khả năng sinh lời của ngân hàng cũng ở mức cao, tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) khoảng 2,5% và lợi nhuận trên vốn (ROE) khoảng 25%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng được tăng một bậc trong bảng xếp hạng với lợi nhuận sau thuế đạt 20.133 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành (chưa tính đến Agribank).
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietinBank đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 15,6%, quy mô đứng thứ ba trong nhóm Big4 (sau BIDV, Agribank).
Tiền gửi khách hàng đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% so với đầu năm. Cuối năm 2023, số dư nợ xấu của VietinBank ở mức 16.608 tỷ đồng, giảm so với kết quả cuối quý III là 18.941 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,13%, thấp hơn so với đầu năm.
Á quân lợi nhuận năm 2022 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) lại tụt xuống vị trí thứ 5 với 18.191 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 11% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 6 về lợi nhuận ngành ngân hàng với lãi trước thuế tăng 17% so với năm trước, đạt 20.068 tỷ đồng - gia nhập "câu lạc bộ" ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của ngân hàng này đạt 16.045 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ACB 18% so với đầu năm, lên mức 718.794 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 18%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm trở lại đây của ngân hàng. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 482.702 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank) cũng vươn lên hai bậc, xếp vị trí thứ 7 với lợi nhuận sau thuế 10.366 tỷ đồng, tăng trưởng 25,9%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng từng đứng thứ 6 về lợi nhuận cả năm 2022 lại tụt xuống vị trí thứ 8. Lãi sau thuế của ngân hàng VPBank trong năm qua là 8.641 tỷ đồng, giảm 48,9%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng tụt xuống vị trí thứ 9 với lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang so với năm trước, đạt 8.562 tỷ đồng.
Với lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 7.719 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lọt vào Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất năm 2023. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong danh sách 28 nhà băng đã công bố báo cáo.