'Bảng xếp hạng người Việt kém tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo'
Chuyên gia giáo dục cho rằng bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu EF EPI mang tính tham khảo, không nên chỉ nhìn thứ hạng để đánh giá trình độ tiếng Anh một nước.
Trong bảng xếp hạng mức độ thông thạo tiếng Anh ở 100 nước và vùng lãnh thổ năm 2019 của tổ chức giáo dục EF (EF EPI), Việt Nam thuộc nhóm kém. Không chỉ thứ hạng, chỉ số trung bình của nước ta cũng giảm so với hai năm trước, chỉ đạt 51,57.
Điều này khiến nhiều người lo ngại về trình độ cùng chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay. Tuy nhiên, không ít người cho rằng bảng xếp hạng này chỉ mang tính tham khảo.
"Không đại diện cho dân số đất nước"
Trao đổi với Zing.vn, TS Minh Trần - Giám đốc Học thuật của EF, chuyên gia về EPI - cho hay phiên bản thứ chín của EF EPI dựa trên dữ liệu thử nghiệm từ hơn 2,3 triệu người. Những người này đến từ nhiều nơi trên thế giới, đã tham gia thực hiện bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn (EF SET) vào năm 2018. Ai có kết nối Internet đều có thể tham dự bài kiểm tra miễn phí này.
Theo đại diện EF, hầu hết người tham gia thử nghiệm đang làm việc hoặc những người trẻ đang học tập. Những người không có quyền truy cập Internet sẽ tự động bị loại trừ.
Điểm số EF EPI tính theo thang điểm 100 của EF SET. Điểm trung bình của khu vực được tính theo trọng số về dân số. Mỗi quốc gia, khu vực và thành phố được xếp vào một mức độ thông thạo dựa trên điểm số của mình.
Những mức độ thông thạo này giúp xác định các nhóm quốc gia có trình độ tiếng Anh tương tự nhau và giúp so sánh giữa các khu vực. Các mức độ thông thạo được xây dựng phù hợp Khung Tiêu chuẩn Chung châu Âu (CEFR) và các cấp độ khóa học của EF.
TS Minh Trần cho rằng báo cáo EF EPI nêu rõ lượng người tham gia làm bài kiểm tra là tự nguyện và không đại diện cho dân số đất nước. Chỉ những người muốn học tiếng Anh hoặc tò mò về các kỹ năng tiếng Anh của họ mới tham gia vào một trong những bài kiểm tra này. Điều này có thể sai lệch điểm thấp hoặc cao hơn so với dân số nói chung.
Liên quan ý kiến bảng xếp hạng EF EPI không chính xác khi Thái Lan thấp hơn Việt Nam, ông Minh Trần cho rằng kết quả này tương tự với điểm TOEFL iBT và IELTS của 2 quốc gia.
Ông nói thêm EF EPI, TOEFL và IELTS kiểm tra các kỹ năng tiếng Anh chính thức, mà không phải tiếng Anh thông tục. Ngoài ra, chỉ số của Việt Nam giảm nhưng không đáng kể.
"Chúng tôi chỉ coi mức thay đổi hàng năm từ 2 điểm trở lên là thay đổi đáng kể. Do đó, Việt Nam giảm 1,55 điểm chỉ là mức nhẹ", ông nói.
Chỉ đánh giá qua kỹ năng đọc, nghe
TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, khẳng định không thể kỳ vọng có bảng xếp hạng tin cậy và chính xác tuyệt đối. Bài kiểm tra của EF được thực hiện tự nguyện nên chỉ đánh giá những người muốn trả lời. Có bảng đánh giá dựa trên điểm thi TOEFL và IELTS trung bình nhưng cũng chỉ lấy dữ liệu từ người đóng phí để tham gia.
Ngoài ra, bảng xếp hạng này tương quan với TOEFL iBT và IELTS. Theo ông Hiệp, đây là chỉ số cho thấy nó có thể sử dụng ở mức độ nhất định.
TS Phạm Hiệp cũng cho rằng không nên nhìn vào thứ hạng để đánh giá. Thay vào đó, ông nhìn vào phân nhóm. Thực tế, trong 9 năm, trừ năm đầu tiên nằm trong nhóm rất kém, Việt Nam xê dịch giữa hai nhóm trung bình và kém, phần nào phản ánh đúng trình độ tiếng Anh.
Trong khi đó, những nước nổi tiếng nói tiếng Anh tốt trong khu vực như Singapore, Philippines đứng trên nước ta hoàn toàn hợp lý.
Ngoài ra, các nước nằm trong tốp 10 chủ yếu thuộc châu Âu. Những nước dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hoặc trong dạy học ở bậc đại học cũng đứng trên Việt Nam.
Thầy giáo Nguyễn Thái Dương (TP.HCM) cho rằng bảng xếp hạng của EF không thể đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh của một nước. Tiếng Anh có 4 kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết, cùng một số kỹ năng mềm khác khi sử dụng ngôn ngữ. Trong khi đó, EF EPI chỉ đánh giá qua bài kiểm tra kỹ năng đọc và nghe.
Ngoài ra, vì bài thi làm trực tuyến, miễn phí với người tham gia ngẫu nhiên nên không thể đại diện cho mức độ thông thạo tiếng Anh của một nước. Điều này thấy rất rõ trong trường hợp một số nước nói tiếng Anh phổ biến và tốt hơn nhưng lại xếp sau Việt Nam.
“Tương tự các kỳ thi IELTS, TOEFL, TOEIC, người Việt đều đạt kết quả cao. Nhưng đó là những người chú trọng học và học giỏi tiếng Anh. Còn lại, đại bộ phận người Việt không sử dụng ngôn ngữ này trong cuộc sống”, thầy Dương nêu quan điểm.
“Thầy giáo 9X” cho rằng để xếp hạng trình độ tiếng Anh, cơ quan đánh giá cần bài thi kiểm tra đủ 4 kỹ năng như IELTS, TOEFL, Cambridge. Người tham gia từ các nước phải cùng độ tuổi.
Tham khảo để điều chỉnh, nâng cao trình độ tiếng Anh
TS Phạm Hiệp cũng cho rằng không nên tuyệt đối hóa. Việc thứ hạng hay chỉ số trung bình giảm không cho thấy trình độ tiếng Anh đi xuống. Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, chỉ số thông thạo tiếng Anh nước ta giảm. Song sai số không lớn.
Nhìn chung, chỉ số trung bình của nước ta vẫn nằm trong khoảng 50-55. Chỉ số này dao động từng năm nhưng không thể tăng lên 60, 70 năm sau. Đây là lý do khiến ông Hiệp cho rằng cần nhìn nhận EF EPI theo nhóm thay vì chỉ số hay thứ hạng.
Hơn nữa, nhìn từ trường hợp Thái Lan, ông Hiệp khẳng định không có gì tuyệt đối. Ông thừa nhận bất ngờ khi Thái Lan đứng dưới Việt Nam. Nhưng việc đứng dưới trong vòng vài ba năm không có nghĩa tiếng Anh nước đó kém hơn vì đo lường trong khoa học xã hội cần thời gian và không thể chính xác như trong khoa học tự nhiên.
“Chúng ta phải kiên nhẫn. Tương tự trong đánh giá PISA, trong hai lần tham gia, nước ta đều có thứ hạng cao, tất nhiên đáng chú ý nhưng chưa nói lên điều gì. Chúng ta cần cao hơn họ trong 5 lần xếp hạng, tức 15 năm, thì mới cao hơn thật”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu giáo dục này cho rằng nên xem xếp hạng này là một trong những kênh tham khảo để điều chỉnh chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh.
Ông đánh giá việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai không khả thi. Điều chỉnh khả dĩ nằm ở giáo dục. Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, đặc biệt ở bậc đại học, là xu hướng chung của thế giới.
Các nước có công thức chung EMI (English as a Medium of Instruction). Việt Nam cũng thực hiện, cụ thể ở chương trình tiên tiến triển khai từ năm 2008. Luật Giáo dục Đại học cho phép sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy.
“Luật và chính sách đã làm nhưng để lan tỏa cả nước, mang lại kết quả, chúng ta phải chờ”, chuyên gia này nói.
Theo ông Hiệp, đây là độ trễ trong giáo dục. Việc nâng cao trình độ tiếng Anh cần đến sự nỗ lực trong 10 năm. Nếu Đề án Ngoại ngữ 2020 tốt, cũng phải 5-7 năm nữa mới có kết quả.