Bangladesh chìm trong bạo động vì tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ

Các cuộc biểu tình lớn trên khắp Bangladesh đã leo thang thành bạo lực chết người trong tuần này với các cuộc đụng độ giữa sinh viên, những người ủng hộ chính phủ và cảnh sát vũ trang, làm dấy lên sự phẫn nộ lan rộng đối với tình trạng thất nghiệp của người trẻ nước này.

CNN đưa tin hàng chục người được cho là đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ bạo lực, trong đó cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay và đạn cao su chống lại người biểu tình và đám đông người biểu tình được trang bị gậy tràn ngập đường phố và khuôn viên trường đại học ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác.

Theo truyền thông địa phương, đài truyền hình nhà nước Bangladesh (BTV) đã ngừng phát sóng hôm 19/7 sau khi những người biểu tình sinh viên được cho là đã đốt trụ sở của đài này, và những người biểu tình đã kêu gọi đóng cửa toàn quốc trong một thách thức lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina.

Các dịch vụ di động và internet đã bị cắt, các trường học và đại học được lệnh đóng cửa, lực lượng an ninh được triển khai để dập tắt tình trạng bất ổn, trong khi các nhóm nhân quyền cáo buộc chính quyền sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.

Biểu tình và bạo động xảy ra sau khi nhiều sinh viên Bangladesh đang yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch của chính phủ, vốn dành hơn một nửa số vị trí công chức cho một số nhóm nhất định.

Đường phố Bangladesh chìm trong bạo động

Đường phố Bangladesh chìm trong bạo động

Khoảng 30% những công việc được săn đón nhiều được dành cho người thân của các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh khỏi Pakistan vào năm 1971, một thời điểm quan trọng trong lịch sử quốc gia khi nước này giành được tự do thành công.

Nhiều người trong giới tinh hoa chính trị đương thời của đất nước có liên quan đến thế hệ đó - bao gồm cả thủ tướng Hasina, con gái của Sheikh Mujibur Rahman, người sáng lập Bangladesh hiện đại.

Ngoài ra, các vụ biểu tình và bạo động cũng liên quan đến bất mãn trong lòng dân chúng liên quan đến bảo đảm công việc và mức lương cao hơn, và những người phản đối nói rằng hệ thống hạn ngạch mang tính phân biệt đối xử và ủng hộ đảng Awami League cầm quyền của Hasina. Họ đang yêu cầu tuyển dụng dựa trên thành tích.

Maruf Khan, 29 tuổi, một người Bangladesh đang du học tại Úc, người đã tham gia các cuộc biểu tình ở Sydney để ủng hộ làn sóng phản đối ở quê nhà cho biết: “Một công việc trong chính phủ là một cơ hội thực sự tốt. Khoảng 500.000 đến 600.000 người đang cạnh tranh để giành được 600 đến 700 công việc trong chính phủ và trên hết nó bao gồm hạn ngạch 56% cho những đối tượng ưu tiên. Nó không dễ để chen vào".

Nguyên nhân gây phẫn nộ là tỷ lệ thất nghiệp cao trong nước, đặc biệt là trong giới trẻ. Bangladesh đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dưới thời Hasina, nhưng nó đã chậm lại trong thời kỳ hậu đại dịch và như Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng sự bất bình đẳng đã “mở rộng ở các khu vực thành thị”. Ở một quốc gia có 170 triệu dân, hơn 30 triệu người không có việc làm hoặc không được học hành.

Vào năm 2018, hệ thống hạn ngạch đã bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình tương tự nhưng vào tháng 6, Tòa án Tối cao đã khôi phục lại hệ thống này và phán quyết việc loại bỏ nó là vi hiến. Vào ngày 10/7, Tòa án Tối cao đã đình chỉ hạn ngạch trong một tháng trong khi thụ lý vụ việc.

Cảnh sát khống chế người biểu tình

Cảnh sát khống chế người biểu tình

Những người chỉ trích và phản đối nói rằng hệ thống hạn ngạch tạo ra một Bangladesh hai tầng, nơi giới tinh hoa có quan hệ chính trị được hưởng lợi.

Sinh viên biểu tình Tahmeed Hossain nhấn mạnh: “Những người đấu tranh cho tự do đã hy sinh rất nhiều cho đất nước… vì lý do đó, hạn ngạch này là một điều hợp lý trong quá khứ. Nhưng đã có ít nhất hai thế hệ sau đó. Ngày nay, hạn ngạch… đã trở thành một hình thức phân biệt đối xử. Nó đã trở thành một sự tuyên truyền văn hóa nhằm tạo thành trì trong nước”.

Các cuộc biểu tình bắt đầu tại Đại học Dhaka danh tiếng vào ngày 1/7 và sau đó lan sang các cơ sở và thành phố khác trên toàn quốc với các cuộc tụ tập trên đường phố hầu như hàng ngày, bao gồm cả việc phong tỏa đường sắt và đường bộ.

Các cuộc biểu tình trở nên bạo lực vào ngày 15/7 khi các thành viên của Liên đoàn Chatra Bangladesh – phe sinh viên của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền – được cho là đã tấn công những sinh viên biểu tình bên trong khuôn viên Đại học Dhaka. Kể từ đó, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh, người biểu tình và những người ủng hộ chính phủ đã leo thang, với việc Bangladesh triển khai Tiểu đoàn hành động nhanh bán quân sự.

Sinh viên biểu tình Hossain nói với CNN rằng anh ta bị thương trong một cuộc biểu tình ở Đại học Dhaka hôm 17/7 khi một viên đạn bắn vào đám đông. “Ai đó ném một vật nhỏ vào chúng tôi, nó phát nổ và tôi nghe thấy tiếng súng. Tôi bắt đầu chạy và nhận ra rằng mình đã bị thương bởi một số mảnh vụn” – nhân chứng này kể lại.

Trang web giám sát Internet Netblocks đã xác nhận “gần như toàn bộ mạng Internet quốc gia” bị ngừng hoạt động trên khắp Bangladesh vào ngày 18/7. “Biện pháp mới tuân theo những nỗ lực trước đó nhằm hạn chế truyền thông xã hội và hạn chế các dịch vụ dữ liệu di động” – tuyên bố thông tin.

Các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Hasina kể từ khi bà giành được nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử tháng 1, vốn bị đảng đối lập chính tẩy chay để phản đối.

Hasina đã công bố một cuộc điều tra tư pháp về vụ giết người và kêu gọi người biểu tình chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao.

“Tôi đặc biệt kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi phán quyết của Tòa án Tối cao được đưa ra. Tôi tin rằng các sinh viên của chúng ta sẽ nhận được công lý từ tòa án tối cao, họ sẽ không thất vọng” - Hasina nói trong cuộc họp báo.

Nhưng bà đã bị buộc tội kích động sự tức giận của người biểu tình bằng cách gọi họ là “razakar”, một thuật ngữ xúc phạm được sử dụng để chỉ những người được cho là đã cộng tác với quân đội Pakistan trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/bangladesh-chim-trong-bao-dong-vi-tinh-trang-that-nghiep_164906.html