Bangladesh: Mưa lũ ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người, dịch bệnh lan mạnh
Mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Nam Bangladesh suốt tuần qua, trong lúc dịch bệnh sốt xuất huyết đang lạn mạnh, khiến hàng trăm người tử vong kể từ đầu năm đến nay ở quốc gia này.
Mưa lớn trút xuống cùng nước thượng nguồn đổ về đã gây ra các trận lũ lụt nghiêm trọng tại khu vực Tây Nam Bangladesh trong suốt tuần qua, khiến cuộc sống của hơn 1 triệu người gặp khó khăn và buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối Ứng phó Thảm họa Quốc gia (NDRCC) thuộc Bộ Quản lý và Cứu trợ Thiên tai Bangladesh, lũ lụt đã gây ảnh hưởng đến 843.505 người dân ở huyện Chattogram, cách Thủ đô Dhaka khoảng 240km.
Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin khoảng 480.000 người ở Cox's Bazar phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do ảnh hưởng mưa lũ. Nhiều người phải tránh trú trên thuyền.
Nhiều vùng đất thuộc khu vực Đông Nam Bangladesh cũng đang chìm trong nước lũ, gây thiệt hại trên diện rộng về nhà ở, cây trồng và cơ sở hạ tầng giao thông.
NDRCC cho biết nhà chức trách đã gấp rút triển khai các đội ứng phó thảm họa, hỗ trợ công tác cứu hộ, phân phát hàng viện trợ và điều phối các trung tâm tạm trú tại 5 huyện Chattogram, Bandarban, Rangamati, Cox's Bazar và Feni - nơi hàng chục nghìn người đang phải lánh nạn trong các khu tạm trú.
Ngay khi nước lũ rút bớt, giao thông trên tuyến đường cao tốc chính Chattogram-Cox's Bazar đã được nối lại trong ngày 10/8.
Trước đó, ngày 8/8, các binh sỹ Bangladesh đã được triển khai tới Chattogram để ứng phó với tác động của mưa lớn. Thống kê cho thấy ít nhất bảy người đã thiệt mạng trong các vụ sạt lở đất tại Cox's Bazar và Chattogram.
Ngoài những thiệt hại về người và vật chất, lũ lụt còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan nghiêm trọng.
Số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tăng vọt
Theo Bộ Y tế Bangladesh, ngày 10/8, nước này đã ghi nhận 2.959 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết - mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ đầu năm đến nay - và 12 trường hợp tử vong. Khoảng 1.097 ca trong số các ca mắc mới ở Dhaka.
Từ đầu năm đến nay, nước này đã có 78.028 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 364 trường hợp tử vong. Để ứng phó với dịch sốt xuất huyết đang lan mạnh, các cơ quan y tế Bangladesh đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát tình hình và triển khai các biện pháp diệt côn trùng gây bệnh.
Bangladesh thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ lụt từ tháng Sáu đến tháng Chín, song các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất, cường độ và xu hướng bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan tại nước này.
Đây cũng là khoảng thời gian dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh nhất tại quốc gia tiềm ẩn nguy cơ cao về căn bệnh này, một phần do công tác giám sát dịch bệnh tại đây còn hạn chế.
Mặc dù triệu chứng mắc sốt xuất huyết đa phần là nhẹ, song một số người có thể gặp các biến chứng đe dọa tính mạng. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này./.