Bangladesh: Những đứa con của chiến tranh tìm về cội nguồn

Hàng nghìn trẻ em sinh ra từ nạn nhân bị hãm hiếp trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Bangladesh năm 1971 đã được các gia đình nước ngoài nhận làm con nuôi. Bây giờ, nhiều người muốn tìm về cội nguồn, gốc gác nơi sinh ra của mình.

Jane Radika đang tìm kiếm câu trả lời. Gần 50 tuổi, bà bắt đầu suy tư về cuộc sống và khao khát được biết về hoàn cảnh được nhận nuôi, từ một trại trẻ mồ côi ở Bangladesh đến một thị trấn nhỏ ở Cornish, Anh.

“Tôi chỉ mới 5 tuần tuổi khi đến Vương quốc Anh, vì vậy tôi không có ký ức gì về quê hương mình. Theo những gì tôi được biết, mẹ tôi đã sinh ra tôi trong trại trẻ mồ côi Mẹ Teresa ở Dhaka. Thật không may, thông tin tôi nắm được lại không rõ ràng - tên của mẹ tôi có thể có trong giấy khai sinh Bangladesh của tôi hoặc cũng có thể không. Giấy tờ đã bị thất lạc, thật đau lòng, nhưng hình như trại trẻ mồ côi có một bản sao”.

Bà Jane Radika

Bà Jane Radika

Jane hầu như không biết gì về Bangladesh khi lớn lên và các cuộc tìm kiếm trực tuyến chỉ giúp bà có được chút ít thông tin cho đến nay. Bà cảm thấy thôi thúc cho chuyến về thăm Bangladesh, nhưng đại dịch và hoàn cảnh cá nhân đã khiến viễn cảnh đó có vẻ xa vời.

Jane cũng như hàng nghìn người khác, hiện ở khắp thế giới, được nhận nuôi từ Bangladesh vào những năm 1970, nhiều người đang tự mình tìm kiếm sự thật. Hầu hết có rất ít hoặc không có thông tin về hoàn cảnh nhận con nuôi hoặc cha mẹ đẻ của họ. Ngoại trừ một chi tiết thống nhất: hoàn cảnh ra đời của họ khi đất nước Bangladesh trong chiến tranh.

Bangladesh được tuyên bố là một quốc gia độc lập vào tháng 12/1971, 9 tháng sau khi Pakistan tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người Bengal đang tìm kiếm quyền tự quyết ở khu vực lúc bấy giờ còn gọi là Đông Pakistan. Đó là thời kỳ bạo lực lan rộng: ước tính có từ 300.000 đến 500.000 người thiệt mạng, trong khi con số của chính phủ Bangladesh là 3 triệu người.

Bất chấp quy mô, cuộc chiến của Bangladesh ít được thế giới biết đến. Một sự thật đáng kinh ngạc là cuộc chiến đó đã đưa ra một trong những điển hình đầu tiên được ghi chép lại về việc hiếp dâm như một vũ khí chiến tranh - khoảng 200.000 đến 400.000 phụ nữ được cho là nạn nhân. Phụ nữ bị quân đội Pakistan bắt giữ, hãm hiếp và tra tấn, trở nên rất đau đớn, rất cần được chăm sóc y tế và trong nhiều trường hợp còn mang thai, ước tính khoảng 25.000 trường hợp mang thai như thế, và hàng ngàn trẻ đã được sinh ra.

Để giúp những nạn nhân bị cưỡng hiếp hòa nhập trở lại xã hội, ông Sheikh Mujibur Rahman, Thủ tướng và là người sáng lập của Bangladesh, đã đưa ra luật cho phép phá thai muộn và thông qua lệnh Trẻ em bị bỏ rơi, biến Bộ Phúc lợi Xã hội thành người giám hộ theo luật định đối với những đứa trẻ sinh ra do bị cưỡng hiếp. Một chiến dịch nhận con nuôi quốc tế bắt đầu tìm nhà cho hàng nghìn “em bé chiến tranh”.

Những phụ nữ bị hãm hiếp được trao danh hiệu kính trọng là Birangona - nghĩa là nữ anh hùng chiến tranh - nhằm giảm thiểu sự tẩy chay của xã hội đối với họ. Mẹ của Jane nằm trong số đó.

Jane nói: “Thông tin duy nhất tôi có là mẹ tôi đã bị hãm hiếp trong cuộc chiến tranh giải phóng. Tôi không biết gì về những gì đã xảy ra với bà ấy sau đó. Trong suy nghĩ của tôi, cuộc sống của tôi bắt đầu khi tôi được nhận nuôi, nhưng không phải vậy, tôi đã có thời gian ở Bangladesh và điều gì xảy ra với mẹ tôi khi tôi được tạo ra - đó là bạo lực”.

Nayanika Mookherjee, một học giả đã viết nhiều về phụ nữ Birangona, mô tả những trải nghiệm mâu thuẫn của những người phải chịu đựng sự cưỡng bức mang thai dưới bàn tay của binh lính Pakistan. “Một số phụ nữ đã vui vẻ phá thai, cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải sinh một đứa trẻ Pakistan; những người khác muốn giữ con của họ nhưng bị buộc phải phá thai. Có những người đã phải chịu đựng 9 tháng trong sự căm hận với cái thai mà họ mang trong mình… Một số phụ nữ đã khóc khi đứa con mới sinh của họ bị cho đi, trong khi những người khác thậm chí không thèm nhìn con mình”.

Jane là một trong những đứa con nuôi đầu tiên đến Anh, vào mùa hè năm 1972. Mike King và vợ đang cố gắng nhận một đứa trẻ ở Anh làm con nuôi thì vào một buổi sáng tháng 2, họ đọc được một bài báo trên tờ Guardian mô tả về những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Bangladesh. Thế là vợ chồng King quyết định hành động.

Những đứa trẻ được (lỡ phải) sinh ra trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Những đứa trẻ được (lỡ phải) sinh ra trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Đến tháng 7, King đang trên đường đến Bangladesh để nhận con gái làm con nuôi. Anh ấy đồng ý hộ tống một em bé khác trở về thay cho một cặp vợ chồng không thể đi du lịch vì bệnh tật. Cặp vợ chồng đó đã trở thành cha mẹ nuôi của Jane.

King nhớ lại khoảng thời gian đó, ông đã bị sốc khi nhìn thấy những chiếc nôi đan bằng liễu gai, mỗi chiếc đang mang một em bé. King nói: “Thật là choáng ngợp. Thật khó để thống kê hết số lượng trẻ sơ sinh trong chiến tranh. Thật đau lòng”.

Jane mặc một chiếc váy trắng và ngủ trong một góc; sinh ra trong trại trẻ mồ côi vài tuần trước đó. Theo bản năng, King cảm thấy cần phải chọn cô bé đó, đứa trẻ nhất trong nhà trẻ. Các em bé quá nhỏ nên ông chỉ cần một chiếc địu cho cả hai.

Sau đó là nhiều ngày “hoạt động điên cuồng” và bộ máy hành chính căng thẳng. “Tôi đã dành hàng giờ trong văn phòng của nhiều công chức khác nhau để được chấp thuận. Điều này hoàn toàn mới đối với họ, và họ không phải lúc nào cũng chắc chắn liệu tôi có cần sự chấp thuận của người khác, cũng như của họ hay không”. Cuối cùng, King và các em bé lên chuyến bay dài trở về Vương quốc Anh.

Năm đó, hàng nghìn trẻ sơ sinh trong chiến tranh đã được nhận làm con nuôi ở các quốc gia bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Canada. Người ta ước tính rằng 5.000 bé đã được sinh ra, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Sau chiến tranh, các sơ của trại trẻ mồ côi Mẹ Teresa tìm kiếm những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường phố Dhaka và đến các phòng khám phá thai yêu cầu các bà mẹ mang thai và giao những đứa trẻ không mong muốn cho trại trẻ mồ côi.

Khi King đến Dhaka, ông được thông báo rằng một chiếc máy bay chở những đứa trẻ sơ sinh trong chiến tranh đầu tiên vừa rời đất nước đi Canada. Shikha Cappuccino, 51 tuổi, nằm trong số đó.

Câu chuyện của Cappuccino là một câu chuyện sinh tồn đáng chú ý. Sau hậu quả của chiến tranh, phụ nữ thường tự mình phá thai nếu họ không thể hoặc quá sợ hãi để đến phòng khám - đôi khi họ mất mạng trong quá trình này.

Shikha chào đời khi mới 7 tháng, chỉ nặng 2 cân sau một lần phá thai thất bại. Khi Fred và Bonnie Cappuccino, những người truyền giáo thu xếp việc nhận con nuôi cho các gia đình ở Canada, nghe nói về Shikha, họ quyết định tự mình nhận cô bé làm con nuôi. “Cô bé có bàn tay và bàn chân nhỏ nhất,” cặp vợ chồng nói. “Con bé quá nhỏ, các nữ tu đã cho con bé ăn bằng ống nhỏ mắt”.

Vợ chồng Cappuccino đã vận chuyển 15 em bé từ trại trẻ mồ côi; lần đầu tiên một chuyến bay của Air India chở nhiều trẻ sơ sinh không có người đi kèm như vậy. Bà Bonnie nói: “Chồng tôi và tôi rất ngạc nhiên trước sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Bangladesh, điều này còn rất mới vào thời điểm đó. Shikha nói: “Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được Fred và Bonnie nhận nuôi, họ đã cho tôi một cơ hội khác trong đời”.

Không phải ai cũng cảm thấy như vậy. Kohinoor Nordberg được một cặp vợ chồng người Na Uy nhận nuôi, cho biết: “Khi bạn là một đứa trẻ da nâu được người da trắng nhận nuôi từ một quốc gia đang phát triển, mọi người sẽ thấy những gì bạn đạt được chứ không phải những gì bạn đã mất”.

Nordberg không phải là một đứa trẻ sơ sinh khi đến trại trẻ mồ côi và nhớ về mẹ mình. Theo các nữ tu, cô bé được tìm thấy bị bỏ rơi trên đường phố Dhaka.

Không ai biết ngày sinh của Nordberg, mặc dù giấy chứng nhận con nuôi của bà nói rằng bà được ba tuổi bốn tháng vào năm 1976, khi được nhận nuôi. Nordberg nói: “Có lẽ tôi già hơn so với vẻ bề ngoài, vì tôi bị suy dinh dưỡng.

Trong một thời gian dài, Nordberg tự coi mình là một đứa trẻ trong chiến tranh, và điều này có thể đúng vì việc nhận con nuôi từ Bangladesh vẫn diễn ra vào năm 1976 mặc dù lúc đó đã qua giai đoạn cao điểm.

Mustafa Chowdhury, tác giả của quyển sách “Picking up the Pieces”, một cuốn sách về những gì đã xảy ra với những đứa trẻ Bangladesh được nhận nuôi ở Canada, cho biết: “Không có định nghĩa rõ ràng về trẻ sơ sinh trong chiến tranh. Thuật ngữ “em bé chiến tranh” và “trẻ mồ côi chiến tranh” được sử dụng thay thế cho nhau. Tại một thời điểm, chính phủ bắt đầu gọi chúng là “những đứa trẻ bị bỏ rơi” mà không xác định thời gian những đứa trẻ được thụ thai và sinh ra.

Lệnh về Trẻ em bị bỏ rơi được đặc biệt ban hành nhằm cho phép nhanh chóng đưa trẻ sơ sinh đến các gia đình và vẫn được trích dẫn trên các giấy tờ nhận con nuôi vào năm 1976 đối với hàng trăm trẻ em đi qua các mái ấm của đất nước. Việc trẻ em 3, 4 và 5 tuổi được làm con nuôi ở nước ngoài là chuyện bình thường.

Bà Jane vui sướng khi tìm thấy tên mình trong danh sách trẻ mồ côi tại trại mồ côi Mẹ Teresa

Bà Jane vui sướng khi tìm thấy tên mình trong danh sách trẻ mồ côi tại trại mồ côi Mẹ Teresa

Nordberg biết rất ít về cuộc sống của mình trước khi đến Na Uy. Bà nói: “Việc nhận con nuôi của tôi đã xóa đi bản sắc người Bengal của tôi; ngôn ngữ của tôi, văn hóa của tôi và bất kỳ cơ hội kết nối nào với mẹ ruột của tôi. Tôi lớn lên mà không gặp những người như mình, và không hòa nhập được ở nhà hay ở nơi nào khác”. Nordberg đã thất bại trong việc tìm kiếm mẹ ruột của mình.

Hai năm sau lần đầu tiên nhờ giúp đỡ để tìm những “đứa con chiến tranh” khác, Jane cuối cùng đã đến thăm Bangladesh. Mặc dù đây là lần thứ hai bà đến đất nước này, nhưng mọi thứ đều mới mẻ. “Hồi hộp, điên cuồng, vui vẻ, xúc động,” Jane mô tả cảm xúc của mình khi đến Dhaka vào tháng 2/2022. “Tôi thực sự, thực sự yêu thích nó. Chuyến đi đã trả lời rất nhiều câu hỏi. Và sau đó nhiều câu hỏi khác lại được đưa ra”.

Jane đã đến thăm trại trẻ mồ côi Mẹ Teresa trên đường Islampur, nơi khi xưa bà được chọn làm con nuôi, và được chào đón bởi nữ tu truyền giáo cấp cao Xavier. Sau một vài câu thăm hỏi ban đầu, Jane yêu cầu được xem hồ sơ của mình. Lúc đầu, các nữ tu tỏ ra miễn cưỡng nhưng sau đó rời khỏi phòng. Sơ Xavier xuất hiện trở lại, tay cầm một tập sách lớn và Jane bắt đầu đọc lướt qua các trang, quay trở lại ngày sinh của bà vào năm 1972.

Có tên của một số em bé được liệt kê là đã đến Canada và Jane há hốc mồm khi tìm thấy tên của mình, được ghi ngay ngắn bằng mực xanh. Jane cảm thấy nhẹ nhõm. “Khi bạn được nhận làm con nuôi, bạn chỉ thực sự biết những gì bạn được kể. Điều này khẳng định tôi là một đứa trẻ trong chiến tranh và rằng tôi đã thực sự ở đây, tại trại trẻ mồ côi này ở Bangladesh, ngày xửa ngày xưa. Đây là nơi câu chuyện của tôi bắt đầu”.

Nhưng không có thông tin nào liên quan đến mẹ ruột của Jane. Trong cột có tiêu đề “Địa chỉ của cha mẹ”, ghi “Chương trình phục hồi nhân phẩm cho phụ nữ”; một mục chung để che giấu tên của người mẹ. Jane cũng phát hiện ra rằng vào năm 1975, một phần của trại trẻ mồ côi đã bị sập và rất nhiều tài liệu đã bị phá hủy.

Jane cũng đến thăm một nhóm phụ nữ Birangona sống ở Tejgaon, trung tâm Dhaka. Trong một ngôi nhà nhỏ, bà được giới thiệu là con gái của một Birangona với 3 người phụ nữ lớn tuổi. Những người phụ nữ bắt đầu khóc khi họ lần lượt ôm lấy Jane. Một người phụ nữ vuốt ve khuôn mặt của Jane trong khi một người khác ôm bà vào lòng và thì thầm lời cầu nguyện: “Cầu thánh Allah luôn dõi theo con, con của ta”.

Nguyên Khang (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bangladesh-nhung-dua-con-cua-chien-tranh-tim-ve-coi-nguon-i704192/