Bangladesh nới lỏng phong tỏa để dân chuẩn bị cho lễ hội

Hàng chục triệu người ở Bangladesh tranh thủ mua sắm hoặc về quê trong thời gian 8 ngày mà chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa để chuẩn bị cho lễ hội Hồi giáo Eid-al Adha.

Bất chấp cảnh báo từ chuyên gia, chính phủ tuyên bố tất cả hạn chế sẽ được nới lỏng ngày 15-23/7 để người dân có thể ăn mừng lễ hội, theo AP.

"Mọi người phải cảnh giác, đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn về sức khỏe trong mọi tình huống", tuyên bố của chính phủ cho biết.

Việc các hạn chế được nới lỏng khiến nhiều người đổ xô mua sắm tại các chợ và siêu thị. Nhiều người khác tập trung tại các bến xe và bến cảng để lên đường về quê.

Hiện chỉ mới hơn 4 triệu dân, trên tổng dân số 160 triệu người, được tiêm chủng đầy đủ,

 Mọi người tập trung tại một khu chợ trước Eid-al Adha ở Dhaka, Bangladesh ngày 16/7. Hàng triệu người Bangladesh đang tranh thủ mua sắm và đi lại trong 8 ngày tạm dừng lệnh phong tỏa gây tranh cãi. Ảnh: AP.

Mọi người tập trung tại một khu chợ trước Eid-al Adha ở Dhaka, Bangladesh ngày 16/7. Hàng triệu người Bangladesh đang tranh thủ mua sắm và đi lại trong 8 ngày tạm dừng lệnh phong tỏa gây tranh cãi. Ảnh: AP.

Kỹ thuật viên nha khoa Shah Alam cũng tranh thủ đi mua sắm dịp này để chuẩn bị cho dịp lễ. "Tôi luôn tuân theo các nguyên tắc về an toàn sức khỏe", anh nói.

Các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng hạn chế có thể khiến tình hình dịch bệnh ở Bangladesh nghiêm trọng hơn do biến chủng Delta - được phát hiện ở nước láng giềng Ấn Độ.

Bác sĩ Be-Nazir Ahmed, chuyên gia y tế cộng đồng, cho biết: "Số lượng giường bệnh và phòng chăm sóc tích cực ngày càng ít, trong khi nhà cung cấp thiết bị y tế cũng bị quá tải. Nếu tình hình xấu đi và có nhiều bệnh nhân hơn, chúng ta gần như không thể đối phó".

 Gia súc được bày bán tại chợ gia súc Gabtoli trước lễ hội Eid-al Adha ở Dhaka, Bangladesh ngày 16/7. Ảnh: AP.

Gia súc được bày bán tại chợ gia súc Gabtoli trước lễ hội Eid-al Adha ở Dhaka, Bangladesh ngày 16/7. Ảnh: AP.

Theo ông Ahmed, rủi ro chính của việc gỡ phong tỏa là người dân từ thành phố có thể mang virus về các làng quê, hoặc nhiễm virus khi đi chợ, đặc biệt là chợ gia súc - nơi hàng triệu người sẽ mua động vật để hiến tế cho Eid-al Adha.

Theo ước tính của ông, khoảng 40 triệu người sẽ tụ tập để cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo hoặc các cánh đồng mở trên khắp đất nước cho lễ hội vào 21/7.

Bangladesh áp dụng các biện pháp hạn chế từ ngày 1/7. Chợ bị buộc đóng cửa, còn phương tiện vận chuyển công cộng phải dừng hoạt động.

Quân đội và lực lượng biên phòng thường tuần tra trên đường phố để kiểm tra việc tuân thủ lệnh hạn chế. Nhiều người bị phạt, thậm chí bị bắt giam, vì vi phạm.

Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng những lệnh hạn chế nghiêm ngặt, Bangladesh có khoảng 200 ca tử vong và khoảng 11.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong ngày 18/7, nước này ghi nhận thêm 225 ca tử vong và 11.758 ca nhiễm mới.

Bác sĩ Ahmed cho biết tháng sau lễ hội sẽ là thời điểm quan trọng đối với Bangladesh. Tính đến nay, nước này có gần 1,1 triệu ca nhiễm và gần 18.000 ca tử vong vì Covid-19.

Việt Linh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bangladesh-noi-long-phong-toa-de-dan-chuan-bi-cho-le-hoi-post1240652.html