'Sát thủ vô hình' khiến con người kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần
Các dấu hiệu và triệu chứng lúc đầu rất khó phát hiện nhưng trở nên nặng hơn theo thời gian.
Theo kết quả cuộc khảo sát với 60.000 người đi làm được công bố vào cuối năm 2022 ở TPHCM, 42% số người được hỏi cho biết, họ đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất căng thẳng từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Với nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ căng thẳng cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị căng thẳng. Khảo sát năm 2021 cũng hé lộ nguyên nhân chính khiến người đi làm muốn bỏ việc là tình trạng kiệt sức.
Hội chứng kiệt sức (Burnout syndrome, gọi tắt là BS) được giới y khoa gọi là "sát thủ vô hình". Đây là hội chứng khi căng thẳng kéo dài ở nơi làm việc không được kiểm soát đúng cách. Nó biểu hiện qua 3 khía cạnh là cảm giác cạn kiệt năng lượng, tinh thần ngày càng xa cách với công việc (bao gồm cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi) và giảm cảm giác hiệu quả nghề nghiệp.
Vào những năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger đã đưa ra thuật ngữ "kiệt sức" trong nghiên cứu mang tên "Trầm cảm: Kiệt sức là gì?" để mô tả tác động của căng thẳng nghiêm trọng trong những nghề tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Ví dụ, các bác sĩ và y tá thường xuyên cảm thấy kiệt sức. Hầu hết chúng ta đều có những ngày cảm thấy bất lực, quá tải, tuy nhiên nếu thường xuyên cảm thấy như vậy thì có thể bạn đang kiệt sức vì nó diễn ra theo quá trình tăng dần. Các dấu hiệu và triệu chứng lúc đầu rất khó phát hiện nhưng trở nên nặng hơn theo thời gian.
Các dấu hiệu điển hình về kiệt sức thể chất: Luôn mệt mỏi; sức đề kháng suy giảm, bệnh tật thường xuyên; đau đầu thường xuyên hoặc đau cơ; thay đổi khẩu vị hoặc thói quen ngủ.
Đối với kiệt sức tinh thần: Luôn có cảm giác thất bại và nghi ngờ bản thân; cảm thấy bất lực, thất bại; cảm thấy cô đơn; mất động lực. Cái nhìn ngày càng hoài nghi và tiêu cực; giảm sự hài lòng về những thành tựu…
Sự khác nhau giữa căng thẳng và kiệt sức
Kiệt sức có thể là kết quả của sự căng thẳng kéo dài nhưng nó không giống như căng thẳng quá mức. Nhìn chung, căng thẳng liên quan đến quá tải hay quá nhiều áp lực, họ vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Ở chiều kia, kiệt sức có nghĩa là cảm thấy trống rỗng, không có động lực và không còn sự quan tâm. Những người bị kiệt sức thường không thấy bất kỳ hy vọng nào về sự thay đổi tích cực trong hoàn cảnh của họ. Nếu căng thẳng quá mức khiến bạn cảm thấy như đang chìm đắm trong trách nhiệm thì rất có thể là cảm giác kiệt sức.
Giải pháp phục hồi sau kiệt sức
Việc thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền và tập thể dục sẽ giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy thư giãn. Nuôi dưỡng cơ thể bằng những thói quen lành mạnh như bữa ăn bổ dưỡng, ngủ đủ giấc sẽ hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những cá nhân đáng tin cậy, ngắt kết nối định kỳ với công nghệ sẽ giúp trẻ hóa cảm xúc. Ưu tiên các hoạt động chăm sóc bản thân mang lại niềm vui và thư giãn sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi, chống lại tình trạng kiệt sức.
Ngoài ra, đánh giá lại việc phân bổ khối lượng công việc và đề cao sự tiến bộ hơn là sự hoàn hảo là điều cần thiết để có được hạnh phúc.