Bánh chưng - dẻo thơm vị TếtĐường về nhà chồng của cô dâu người DaoThổi hồn vào trang phục vải lanh bằng sáp ongMột năm khởi sắc xây dựng nông thôn mơíNhững cung đường du lịch xứ TuyênNiềm vui từ những nhà văn hóa mang tên Nghị quyết 03Khoan nhặt thoi đưa

Từ thời các vua Hùng dựng nước, bánh chưng đã là món ăn truyền thống của dân tộc để dâng cúng tổ tiên, trời đất, thể hiện tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước. Ngày nay, dù cuộc sống đã đổi thay, nhưng bánh chưng luôn vẫn là một nét không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền.

Những ngày cuối năm các gia đình rộn rã đi chợ Tết, mua về lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn loại tươi nhất, ngon nhất. Lá dong phải là lá bánh tẻ, có độ già vừa phải, màu xanh mượt, không bị sâu bệnh hay gãy gân lá; gạo nếp là nếp cái hoa vàng, hạt gạo to, mẩy và có màu trắng tinh khiết kèm hương nếp thơm dịu; đỗ xanh là loại đỗ chắc hạt, có màu vàng tươi và bở tơi khi đồ chín. Đối với thịt lợn, loại nhân trong cùng của bánh người dân thường chọn thịt ba chỉ của con lợn ngon, được nuôi dân dã để thịt thơm và chắc.

Người dân đi chọn lá dong và lạt buộc bánh tại trục đường Chiến thắng sông Lô (TP Tuyên Quang), lá dong thường được các thương lái thu mua từ các xã Tân Long, Thái Bình (Yên Sơn) hay từ một số xã của huyện Chiêm Hóa. Lá dong được bó cẩn thận nên giữ được độ tươi và màu xanh của đặc trưng của lá, điều làm nên màu xanh ngọc cho chiếc bánh chưng thành phẩm.

Lạt buộc bánh được người bán chẻ từ những cây giang có chiều dài từ 70-80 cm, lạt có độ dai và rất chắc chắn khi buộc bánh, giúp chiếc bánh khi luộc giữ được hình dáng. Một số gia đình dùng dây nilon để thay thế lạt khi buộc bánh nhưng điều này khiến chiếc bánh mất đi sự mộc mạc, thân thiện với môi trường.

Gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn những nguyên liệu cấu thành nên chiếc bánh chưng truyền thống.

Tại nhiều trường học, trong các hoạt động trải nghiệm Tết đều tổ chức cho học sinh gói bánh chưng, trong ảnh là học sinh trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) học gói bánh trong Lễ hội xuân của trường.

Các công đoạn gói bánh được bắt đầu bằng việc xếp lá rồi cho nhân theo thứ tự gạo nếp, đỗ xanh và cuối cùng là thịt lợn, bánh được gói thành hình vuông với lạt buộc chắc chắn để không bị nứt, vỡ khi luộc.

Bánh chưng sau khi gói với màu xanh mướt của lá dong, tổng thể chiếc bánh chắc chắn, chứa đựng những gì tinh túy nhất của đất trời đã được con người gieo trồng, nâng niu suốt hàng nghìn năm qua.

Luộc bánh luôn là khoảnh khắc được trông đợi, nhất là các em nhỏ. Những ngày áp tết, mọi người quây quần quanh bếp lửa hồng và tận hưởng hương vị ấm áp của ngày Tết.

Bài, ảnh: Thu Hằng, Hoàng Minh
Thiết kế: Phan Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/banh-chung-deo-thom-vi-tet-127875.html