Bánh ép và học trò
Tôi có hai cô bạn thân, mỗi khi gặp nhau, câu cửa miệng của chúng tôi là 'Đi ăn bánh ép hè!', thay cho lời chào. Ba đứa tôi thân với nhau từ thời trung học, thi thoảng buổi chiều tan trường, ba đứa ba chiếc xe đạp rong ruổi đến hàng bánh ép, vừa đi vừa huyên thuyên đủ chuyện. Món ăn bình dân đó là một phần trong ký ức thời đi học của tôi, vui vẻ và hồn nhiên. Mười năm trước, đồ ăn vặt cho giới trẻ không bùng nổ như bây giờ nên bánh ép đã trở thành một 'ngôi sao' sáng chói!
Hàng bánh ép ruột của chúng tôi vốn đông khách lắm, giờ cạnh tranh nhiều lại không giữ được chất lượng như trước nên dần chìm vào quên lãng. Ngày ấy, từng tốp học sinh ngồi vòng quanh ba chiếc lò ép luôn rực lửa, không khí trong quán trẻ trung, sôi nổi và rộn rã tiếng cười, tiếng xèo xèo đặc trưng vang lên vui tai, mùi thơm của thịt ướp tươi ngon quyện với mùi bột lọc vừa chín dậy lên quyến rũ. Bánh thời đó rất rẻ, chỉ 500đồng/cái, học trò ăn chất thành từng chồng dĩa. Ba chúng tôi ngồi dưới vòm cây xanh, tận hưởng bầu không khí trong lành của buổi chiều mát, cảm thấy tinh thần thoải mái và dễ chịu.
Bánh ép là “mồi nhậu” bữa xế của mấy đứa học trò, ăn kèm với “bia” là sữa sâm dứa, sữa me, nước ngọt,… Chúng tôi vừa xé bánh chấm nước mắm vừa rôm rả trò chuyện, mỗi chiếc ăn rất mau, quán lại đông nên phải đợi khá lâu mới có mẻ tiếp theo, nhưng nhờ thế bánh ăn vào lại ngon và thú vị hơn hẳn. Một chồng bánh nóng hôi hổi ra lò được phát đến từng bàn, vài đứa láu cá ngồi gần để khoèo bánh cho nhanh thì bị dì phát hiện và “nguýt yêu” cho một cái rõ dài.
Người Huế thường ăn bánh ép theo hai kiểu truyền thống: xé từng miếng chấm với nước mắm hay cuộn bánh với rau như bánh cuốn. Tôi lại có cách ăn khá lạ, ăn phần bánh trước rồi trộn rau với nước mắm ăn riêng, cảm thấy như vậy vị nước mắm quyện chặt vào chiếc bánh, thấm tháp hơn. Hay cô bạn tôi còn có một cách ăn độc lạ nữa là trộn bánh, rau sống, chua ngọt và nước mắm và ăn như gỏi. Bánh càng đơn giản thì càng dễ sáng tạo!
Bánh ép ngày nay được biến tấu và phủ lên bề mặt nhiều thứ mới lạ như trứng, tôm, pate, xúc xích,…, nhưng vẫn giữ được tinh thần nguyên bản của bánh ép Huế. Bánh còn được dùng kèm mắm nêm, nổi bần bật cái vị dai và ngọt của thịt. Cách làm đơn giản nhưng mỗi hàng bánh ép lại cho ra một hương vị khác nhau, nơi nhẹ nhàng, nơi đậm đà, nơi thích bánh mỏng, nơi làm bánh dày cho “xôm”. Công thức ướp thịt hay kỹ thuật canh, lật bánh là điều quan trọng nhất tạo nên sự thành bại của món ăn này, và có lẽ người bán cũng đã khéo léo nêm nếm chút gì đó vào bột bánh mà đến bây giờ tôi vẫn chưa khám phá được.
Hàng bánh ép ở Huế “ngó sơ sơ” cũng nhiều không kém quán bánh nậm, bánh lọc, từ giới bình dân đến trí thức đều say mê món ăn độc đáo này. Chiếc bánh tròn trịa, xinh xắn với sự kết hợp hài hòa giữa màu trắng của bột lọc, màu vàng của trứng, màu xanh của hành lá, màu nâu đỏ của thịt heo, tạo nên tổng thể bắt mắt và sinh động. Những người con phương xa có thể mang theo một túi bánh ép khô trong hành trang cho đỡ nhớ hương vị quê nhà!
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/banh-ep-va-hoc-tro-130222.html