Bánh mì Bảy Hổ truyền 3 đời qua 90 năm ở TP.HCM
Bánh mì Bảy Hổ được người dân Sài thành yêu thích nhờ hương vị độc quyền, sự hiếu khách và giá cả phải chăng.
“Năm mới phát tài nha, cho tui 5 ổ lát quay lại lấy”, một vị khách chạy xe ngang qua gọi vọng vào rồi vội đi mất.
Anh Hồ Quốc Dũng (35 tuổi), chủ tiệm, giải thích với phóng viên Zing: "Khách ở đây ai cũng nhiệt tình như vậy, Bảy Hổ xem họ như người nhà nên mọi người cũng coi chúng tôi là bạn bè thân thiết".
Từ những năm 1930, vợ chồng ông Trần Văn Hậu đã vun vén, tích góp mở xe bánh mì đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 rồi truyền lại cho đời con, đời cháu. Đến nay, tiệm bánh đã tồn tại gần 90 năm.
"Ngày đó, ông ngoại đội gánh đi bán bánh mì ở đường Tôn Đức Thắng. Khi đi ngang qua đường Huỳnh Khương Ninh, ông vô tình gặp bà ngoại đang bán xôi dạo. Hai ông bà yêu nhau, nên duyên vợ chồng và chọn con đường này làm nơi cố định để lập nghiệp. Dù thay đổi địa điểm nhiều lần, ông bà vẫn nhất quyết phải cư ngụ tại chính nơi đã kết duyên cho mình", anh Dũng kể.
Sau đó, tiệm được trao lại cho cô Trần Thị Sương - mẹ anh Dũng. Đến nay, anh Dũng đã là thế hệ thứ 3 của gia đình bán hàng ở đây.
Chú trọng chất lượng
Tầm 15h, khách ghé qua Bảy Hổ đã vây kín xung quanh cửa tiệm. Nhiều phương tiện nối đuôi nhau thành hàng dài, ai cũng kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình gọi món. Không ít người đặt liền 10,20 ổ mang đi.
Đa số trong đó là khách ruột, đã ăn bánh mì ở đây lâu năm. Nhiều bạn trẻ được ông bà, cha mẹ dẫn ra ăn từ nhỏ, cứ vài ngày lại ghé mua ủng hộ. Ngoài ra, cũng có người tìm đến đây qua lời giới thiệu, đọc trên mạng hay vô tình ăn thử rồi trở thành khách quen.
Anh Tấn Lộc (40 tuổi) là khách hàng thân thiết của bánh mì Bảy Hổ từ hồi đi học, tính đến nay đã 19-20 năm. Thứ “giữ chân” anh ở tiệm này suốt 2 thập kỷ qua là pate ngon.
“Tôi ăn ở đây lâu lắm rồi, nhiều buổi chiều hay ghé ra đây mua một ổ lót bụng. Ở đây làm pate lúc nào cũng ngon, ăn lâu vậy rồi mà thấy vị vẫn không thay đổi. Cứ bánh mì ở đây là tôi cho 10 điểm”, anh Lộc chia sẻ.
Bí quyết làm nên hương vị trứ danh của bánh mì Bảy Hổ là pate mềm mịn, béo ngậy, vị mặn đặc biệt và vỏ bánh mì giòn rụm, chắc ruột. Anh Dũng cho hay vỏ bánh được đặt riêng từ lò của người quen nên chỉ có tiệm nhà anh có. Các phần nhân bánh còn lại như thịt, xíu mại đều do gia đình anh tự tay làm.
Trải qua 90 năm, bánh mì Bảy Hổ vẫn được làm theo công thức gia truyền từ đời ông bà ngoại để lại, không hề thay đổi, thêm bớt gia vị.
Mở cửa từ sáng sớm nên tầm 3h, anh và mọi người trong nhà phải dậy để đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu. Buổi sáng, khung giờ đông khách nhất là 6h-8h, còn chiều là từ 15h trở đi.
Vì muốn khách lúc nào cũng được thưởng thức ổ bánh mì thơm ngon, chất lượng, anh Dũng chia ra 2 ca nấu thức ăn để đồ luôn tươi, nóng.
“Nhiều lúc khách đông bất ngờ, đến dồn dập, mọi người phải chia nhau ra mà chuẩn bị, cứ rảnh tay được lúc nào là nấu lúc đó”, anh Dũng nói với Zing.
Tiệm bánh mì 3 đời
Anh Dũng bắt đầu nối nghiệp mẹ từ năm 23 tuổi. Trước khi về quán xuyến gia nghiệp, anh là cửa hàng trưởng của một công ty môtô, có việc làm ổn định.
Thấy mẹ đã có tuổi, một mình buôn bán vất vả, anh quyết định nghỉ việc, về phụ mẹ.
Gia đình có truyền thống cho con cháu học việc từ năm 7 tuổi. Hồi nhỏ, cứ sau giờ đi học, anh Dũng tranh thủ cùng mẹ tập chuẩn bị nguyên liệu. Con gái anh Dũng cũng bắt đầu làm quen với các công việc trong tiệm.
"Từ lúc tiếp quản đến nay, đây là thời điểm khó khăn nhất của Bảy Hổ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả leo thang làm mình phải cân bằng chất lượng và giá bán".
“12 năm nối nghiệp mẹ, tôi chưa thấy lúc nào bế tắc như hiện tại. Tôi phải cân nhắc làm sao dù mọi thứ có tăng thì giá một ổ vẫn giữ nguyên như cũ, để khách ăn ngon mà còn hợp túi tiền”, ông chủ 35 tuổi tâm sự.
Năm ngoái, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng ổ bán ra trong ngày giảm đi hơn một nửa do người dân hạn chế ra đường. Vất vả lắm tiệm Bảy Hổ mới vượt qua thời kỳ khó khăn. Vì thế, cứ mỗi lần TP.HCM đón đợt dịch mới, gia đình anh lại lo lắng không nguôi.
Coi khách hàng như người nhà
“Khách ở đây thân như người nhà, chúng tôi cũng coi khách như gia đình” là điều tâm đắc được truyền lại qua 3 thế hệ của tiệm Bảy Hổ.
Nhiều khách mua xong nán lại trò chuyện cùng chủ tiệm, tạo nên không khí sôi nổi, vui vẻ. Không ít người đã trở thành bạn bè lâu năm, người bán biết rõ ý khách thích ăn món gì, kén nguyên liệu nào.
“Hôm nay là ngày mở hàng đầu năm nên tôi nhận được nhiều lời chúc năm mới của mọi người. Chúng tôi luôn cởi mở, xem khách hàng là gia đình, đó là một niềm tự hào với Bảy Hổ. Nhiều khi ở nhà tôi còn buồn hơn là ra tiệm”.
Với 18.000 đồng, thực khách có thể lựa chọn bánh mì pate kẹp chả lụa truyền thống, xíu mại hoặc thịt gà. Khách đến đây thường gọi món đầu tiên vì đã “ăn quen miệng, không muốn đổi”.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Dũng là được đoàn phim Netflix đến phỏng vấn, quay phóng sự cho series “Street Food: Asia”.
“Lúc đó tôi vui lắm, được giới thiệu bánh mì nước mình đến bạn bè quốc tế, cũng cảm thấy tự hào nữa vì Bảy Hổ được đại diện món ăn đường phố của Việt Nam xuất hiện trong đoạn phim”, anh Dũng cười, kể.
Ngoài ra, anh còn tiết lộ mình thích nghe bài hát Hạnh phúc nơi Sài Gòn vì có nhắc đến tiệm bánh mì nhà anh trong câu “Xe đạp chưa kịp nổ nhưng đã cười nghe thật giòn. Ta nói nó giòn như bánh mì Bảy Hổ, Huỳnh Khương Ninh”.
Trong tương lai, anh dự định mở rộng mô hình cửa tiệm để phục vụ được nhiều khách hơn, giúp mọi người không cần đi xa vẫn có thể mua được bánh mì Bảy Hổ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/banh-mi-bay-ho-truyen-3-doi-qua-90-nam-o-tphcm-post1185883.html