Bánh Trung thu - từ huyền tích đến quy chuẩn quốc gia
Bánh nướng, bánh dẻo là những món truyền thống làm nên linh hồn cho dịp Tết Trung thu, đêm rằm tháng Tám.
Cùng với sự ra đời ngày càng nhiều chủng loại bánh, thị trường bánh Trung thu cũng ngày càng sôi động, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu, các loại bánh tự làm, bánh nhập khẩu... được bán theo hình thức trực tiếp hay bán online qua mạng. Việc khó kiểm soát chất lượng bánh Trung thu cũng dấy lên lo ngại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
Thị trường bánh Trung thu “trăm hoa đua nở”
Lật giở trang sách lịch sử có thể thấy những ghi chép về nguồn gốc xuất xứ của bánh Trung thu. Sử kể rằng, bánh Trung thu xuất hiện từ thời Nguyên trong cuộc khởi nghĩa xảy ra ở Trung Hoa do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn đứng đầu, cuộc khởi nghĩa với mong muốn giúp nông dân thoát khỏi ách thống trị của các giai cấp thống trị.
Tương truyền rằng, thời đó không có nhiều phương tiện để truyền đổi thông tin với nhau, các binh sĩ đã suy nghĩ và làm ra những chiếc bánh rồi nhét mật thư vào trong ruột bánh. Binh lính hẹn ước nhau vào đêm rằm tháng 8 âm lịch sẽ cùng nhau khởi nghĩa và chiến đấu.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến này, để tưởng nhớ các binh sĩ đã lấy ngày rằm tháng 8 hàng năm ăn mừng, những chiếc bánh vì thế mà được lan truyền ra nhiều nơi. Người ta còn làm bánh với những đường nét hoa văn trang trí nổi lên bề mặt bánh cho đẹp mắt.
Chiếc bánh được làm hình tròn thể hiện cho sự đủ đầy, niềm tin của các binh sĩ khi được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Cũng từ đó, mà cái tên Tết đoàn viên, Tết sum vầy cũng được gọi để chỉ dịp lễ này.
Còn ở Việt Nam, nguồn gốc bánh Trung thu bắt nguồn vào ngày rằm tháng 8 khi các nông dân mở tiệc ăn mừng mùa lúa tốt của một năm. Để cảm tạ trời đất đã ban cho con người mùa vụ thuận lợi và tốt đẹp, chiếc bánh có thể được làm hình tròn hoặc hình vuông.
Vào ngày Trung thu trăng tỏ, các thành viên trong gia đình đi làm ăn xa sẽ cố gắng thu xếp để có thể trở về nhà, cùng nhau quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ, cùng thưởng thức miếng bánh ngon và nhâm nhi tách trà nóng, ngắm trăng, lắng nghe tiếng cười nói lao xao của lũ trẻ rước đèn, mua hát ngoài sân đình.
Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại bận rộn, không còn nhiều gia đình tự làm bánh mỗi dịp Trung thu về nữa. Thay vào đó, người ta chọn mua bánh. Vì thế, trong “cuộc đua” bánh trung thu, ngoài các thương hiệu quen thuộc còn có sự tham gia của những nhà sản xuất nhỏ, người làm bánh handmade. Và cũng vì thế mà thị trường bánh Trung thu “trăm hoa đua nở”, kéo theo nỗi lo về an toàn thực phẩm.
Còn nhớ, năm 2015, chỉ trong mùa Trung thu, chỉ trong 4 ngày đã 3 vụ ngộ độc thực phẩm vì ăn bánh Trung thu. Thậm chí có trường hợp hai mẹ con mẹ tử vong, con nhập viện vì ngộ độc thực phẩm từ chiếc bánh Trung thu không nhãn mác người cháu mua biếu…
Mùa Trung thu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh trung thu năm nay dường như kém sôi động hơn những năm trước. Tuy nhiên, nắm được tâm lý ngại dầu mỡ, ngại nhiều đường của người tiêu dùng, các nhà sản xuất bánh trung thu và những người làm bánh handmade đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm bánh từ các nguyên liệu tốt cho sức khỏe như bánh hữu cơ, bánh dinh dưỡng, bánh thực dưỡng…
Bánh nướng, bánh dẻo theo tiêu chuẩn quốc gia
Nếu như trước đây để tránh cho người dân bị ngộ độc thực phẩm, cứ mỗi mùa Trung thu về Viện Dinh dưỡng Quốc gia lại có khuyến cáo người dân khi lựa chọn bánh Trung thu cần chú ý các tiêu chí nguồn gốc sản phẩm, hình dáng, mùi vị sản phẩm…, thì năm nay ngay trước thềm Trung thu, Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã công bố bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh nướng, bánh dẻo.
Theo đó, TCVN 12940:2020 được áp dụng cho bánh nướng; TCVN 12941:2020 được áp dụng cho bánh dẻo. Cụ thể, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.
Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh như đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, các sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm trứng, mật ong... phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.
Đặc biệt, với bộ tiêu chuẩn dành cho bánh nướng, bánh dẻo này, không chỉ các thương hiệu bánh nổi tiếng, mà các sản phẩm bánh trung thu giá rẻ, những loại bánh nhập khẩu giá chỉ vài ngàn đồng hay các bánh trung thu “nhà làm”, dù làm kinh doanh nhỏ lẻ hay phát triển rộng khắp, cũng đều cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự ra đời của Bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm qua, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn, để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng.
Có thể nói việc công bố bộ tiêu chuẩn dành cho bánh nướng, bánh dẻo là một tín hiệu vui đối với người tiêu dùng và cả các nhà sản xuất.
Đây là điều kiện tiên quyết để các công ty, cơ sở sản xuất tư nhân đảm bảo an toàn chất lượng cho sản phẩm khi sản xuất bánh trong mùa Trung thu, vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể dẫn đến nhiều bất cập trong việc đối chiếu và áp dụng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp. Với người tiêu dùng, khi bánh nướng, bánh dẻo có những tiêu chuẩn cụ thể cũng giúp người tiêu dùng an toàn khi lựa chọn, sử dụng các sản phẩm bánh đặc trưng mỗi dịp rằm tháng Tám.
Bán bánh Trung thu handmade có thể bị xử phạt?
Làm và bán bánh trung thu handmade hiện nay đang là xu hướng được nhiều người chọn lựa nhưng mô hình kinh doanh mùa trung thu này chỉ có thể làm nhỏ lẻ, tự phát mà không có qui mô lớn, hệ thống chuyên nghiệp. Chính vì thế, việc bán bánh Trung thu handmade có thể bị xử phạt nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, trao đổi với truyền thông, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, theo qui định tại Điều 20 Nghị định 115 của Chính phủ, đối với hành vi không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo đúng qui định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi làm bánh trung thu gây ngộ độc thực phẩm thì sẽ xử lí ra sao theo qui định, ông Bình cho biết, cũng theo Nghị định trên qui định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có các mức phạt sau: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm qui chuẩn kĩ thuật, qui định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1 người đến 4 người...
Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng qui chuẩn kĩ thuật, qui định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...
Bên cạnh việc dễ bị xử phạt này, thì nay với sự ra đời của bộ tiêu chuẩn dành cho bánh nướng, bánh dẻo này, các cá nhân sản xuất bánh trung thu “nhà làm” cũng đều cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định trong bộ tiêu chuẩn.