'Bánh vẽ' Alibaba sao nhiều người lại tin?

Những khuất tất trong đầu tư kinh doanh của CTCP Địa ốc Alibaba đã được khuyến cáo từ nhiều năm trước, nhưng tại sao hàng ngàn khách hàng vẫn lao vào? Phải chăng họ biết những rủi ro nhưng đã lỡ phóng lao phải theo lao, hay lợi nhuận quá hấp dẫn từ 'mô hình' của doanh nghiệp này khiến khách hàng phớt lờ mọi cảnh báo?

Thông tin từ cơ quan công an, chỉ riêng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2018, Alibaba đã nhận góp vốn của khách hàng hơn 771 tỷ đồng tại 7 dự án với tổng số 3.333 nền đất.

Điều hết sức rủi ro cho khách hàng là tất cả nền đất này đều không phù hợp với quy hoạch, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở… Các dự án Alibaba vẽ ra chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thậm chí nằm trong quy hoạch đường cao tốc và một số công trình quan trọng có chủ là các cá nhân.

Thời gian qua Alibaba còn rao bán hàng chục dự án tại Đồng Nai, TPHCM, Bình Thuận… cũng với thủ đoạn tương tự. Mới đây nhất doanh nghiệp này lại vẽ một dự án ma trên đất trồng rừng tại Bình Thuận. Như vậy, số nền ảo Alibaba đã bán cho khách hàng có thể lên đến hàng chục ngàn và số tiền thu về không hề nhỏ.

Đặc biệt, với việc bán dự án không cần biết vị trí nền, không cần biết bao giờ mới giao… 1 nền đất ảo doanh nghiệp này có thể bán cho hàng chục người. Giả sử Alibaba chuyển nhượng 1 lô đất 1.000m2 đất nông nghiệp giá 2 triệu đồng/m2. Nếu chia 10 lô mỗi lô có giá 200 triệu đồng, nhưng Alibaba có thể đem ra bán cho 10 khách hàng, tức số tiền thu về 2 tỷ đồng.

Với số tiền này Alibaba có thể dùng để trả lãi suất cho những khách hàng nào muốn lấy tiền lại. Tuy nhiên, khách hàng muốn lấy tiền gốc và nhận tiền lãi bị rất nhiều ràng buộc.

Bạn tôi, anh Võ Minh Trung, quê Quảng Ngãi nghe theo lời của nhân viên môi giới của Alibaba, đã bỏ ra 900 triệu đồng mua đất nền tại dự án Long Thành, Đồng Nai. Khi biết đây là dự án ma, anh yêu cầu trả lại tiền, nhưng Alibaba nói 6 tháng hoặc 1 năm mới lấy lại được tiền.

Trong khi đó, trước khi mua nhân viên môi giới hứa hẹn trong vài tuần sẽ tìm được người mua lại khu đất đó với giá cao hơn vài chục triệu đồng. Khi tôi hỏi tính pháp lý của dự án, nhân viên của Alibaba tìm cách lảng tránh, chỉ nói tới khả năng sinh lời và đưa ra những con số hấp dẫn.

Và hàng trăm, có thể lên đến hàng ngàn khách hàng như anh Trung rơi vào bẫy. Ban đầu là nhân viên Alibaba tỉ tê cho khách hàng mê mẩn dẫn lên xe đi tham quan dự án. Những khách hàng này không hề biết tính pháp lý dự án đã xem.

Thực tế hoạt động của Alibaba giống như công ty đa cấp, mặt hàng ở đây là bất động sản đã được bán đi, bán lại với nhiều cấp độ khác nhau. Bằng hình thức cam kết, hứa hẹn với khách hàng khi đầu tư chắc chắn sẽ sinh lời cao, Alibaba đã khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư cá nhân mê muội, thiếu kiến thức đổ tiền vào.

Nhà đầu tư đổ tiền mua khu đất đó sẽ là F1, sau đó những nhà đầu tư thứ cấp khác lần lượt là F2, F3, F4... Điều oái ăm, đây đều là những dự án ma, chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Và khi thông tin này lộ ra, bánh vẽ của Alibaba vỡ bung, lúc đó người bị thiệt hại chính là nhà đầu tư ban đầu.

Rõ ràng việc Alibaba chuyển nhượng như thế là trái pháp luật, sản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng tổ chức rao bán trên phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá, làm sự kiện… là trái với quy định của Điều 228 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng có khởi tố tổ chức Alibaba hay không? Khi khởi tố tổ chức thì mới tiến hành các hoạt động điều tra, mới làm rõ các tình tiết, lúc đó mới tìm được có hay không tội lừa đảo của các cá nhân?

Bình Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/banh-ve-alibaba-sao-nhieu-nguoi-lai-tin-69684.html