Bank - chứng – thép khó làm 'lớn chuyện'

Trước khi bước vào nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tháng 6, thị trường chứng khoán đã có sóng hồi phục khá tốt, trong đó các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép không nằm ngoài xu hướng chung. Tuy vậy, khó có thể kỳ vọng sóng tăng mạnh của bộ ba này trong ngắn hạn.

Yếu tố cơ bản của doanh nghiệp cũng như dòng tiền trên thị trường chưa đủ hỗ trợ cho sóng tăng mạnh mẽ của dòng bank-chứng-thép.

Yếu tố cơ bản của doanh nghiệp cũng như dòng tiền trên thị trường chưa đủ hỗ trợ cho sóng tăng mạnh mẽ của dòng bank-chứng-thép.

Chưa tới thời

Thanh khoản cải thiện trong tháng 6, với nhiều phiên vượt 20.000 tỷ đồng đã giúp đà tăng lan tỏa qua nhiều nhóm cổ phiếu. Trong nhóm ngân hàng, MBB ghi nhận đà tăng hơn 10% trong tháng 6, từ mức giá 18.340 đồng/cổ phiếu (phiên 1/6) lên 20.200 đồng/cổ phiếu (phiên 30/6); ACB tăng nhẹ từ 21.400 đồng/cổ phiếu lên 22.050 đồng/cổ phiếu; VCB ghi nhận mức tăng hơn 6% trong tháng, từ 93.900 đồng/cổ phiếu lên 100.000 đồng/cổ phiếu; CTG tăng từ 27.950 đồng/cổ phiếu lên 29.500 đồng/cổ phiếu…

Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng của nhiều cổ phiếu. Sau nhịp hồi phục tích cực từ mức 9.300 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4 lên 11.800 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6, thị giá SHS tăng tiếp, đóng cửa tháng 6 ở mức 13.200 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VIX ghi nhận đà tăng từ 9.760 đồng/cổ phiếu lên mức 12.200 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh về 10.800 đồng trong phiên cuối tháng 6. SSI từ 22.560 đồng/cổ phiếu lên 25.800 đồng/cổ phiếu; HCM từ 26.900 đồng/cổ phiếu lên 29.050 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh về 28.150 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng…

Ở nhóm thép, HPG ghi nhận đà tăng ấn tượng từ 21.400 đồng/cổ phiếu lên 26.150 đồng/cổ phiếu trong tháng 6, tương ứng mức tăng 22,2%. Cổ phiếu HSG tăng 11,44% trong tháng qua, từ mức 14.760 đồng/cổ phiếu lên 16.450 đồng/cổ phiếu; NKG tăng từ 15.350 đồng/cổ phiếu lên 17.250 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng hơn 12%...

POM, HPG, HSG hay TLH hiện đều đang giao dịch tại vùng đỉnh 9 tháng. POM vừa có chuỗi đột biến gần 70% chỉ sau hơn 2 tuần.

Đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu đã đến thời cho tam tấu này “làm lớn chuyện”?

Từ góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam, thị trường chứng khoán hiện tại đang là câu chuyện của lãi suất. Khi lãi suất thấp thì nhóm được hưởng lợi gồm ngân hàng, bất động sản, nhưng nhìn chung, tăng trưởng của các nhóm ngành này trong năm 2023 sẽ không ấn tượng lắm. Do đó, nếu nói về cơ hội cho sự trở lại đồng thời của bộ ba “bank -chứng - thép” thì chưa phải là thời điểm thích hợp.

Theo ông Nam, ngoài việc xác nhận đáy lợi nhuận ở quý IV/2022 và từ đó đến nay, kết quả kinh doanh cải thiện chưa nhiều. Ông Nam cho rằng, định giá các cổ phiếu ngành chứng khoán và thép phản ánh triển vọng kinh doanh của nhóm này trong 1 - 2 quý tới nên tiềm năng tăng giá chưa lớn.

Riêng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, theo ông Nam, “cổ phiếu vua” đang đối mặt với hai áp lực: nợ xấu và tăng trưởng tín dụng, nên khả năng chỉ có thể duy trì được sự ổn định trong hai quý tới, chứ kỳ vọng tăng trưởng không cao.

“Động lực chung cho nhóm cổ phiếu nói trên phải đến từ việc thị trường địa ốc được cải thiện, vì thép là nguyên liệu chính trong xây dựng, bất động sản. Khi thị trường bất động sản phục hồi, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tốt cho thị trường vật liệu, ngành thép được hưởng lợi. Với cổ phiếu chứng khoán thì yếu tố quan trọng nằm ở thanh khoản, chỉ khi thanh khoản được cải thiện thì cổ phiếu chứng khoán mới có cơ hội thăng hoa. Mà để làm được điều này, không thể thiếu bóng dáng cổ phiếu vua”, ông Nam nhấn mạnh.

Chờ dòng tiền lớn

Quan sát diễn biến thị trường gần đây với việc dòng tiền tăng mạnh, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, nguyên nhân chính giúp dòng tiền cải thiện do mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã bắt đầu giảm, dù tốc độ chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Khoa, thanh khoản tăng nhờ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại và một phần đến từ tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn ngắn đáo hạn. Lãi suất tiền gửi giảm trong khi cơ hội giao dịch trên thị trường tăng là yếu tố thu hút lại dòng tiền trong ngắn hạn.

Ông Khoa cho rằng, thời gian gần đây, sự luân chuyển của dòng tiền từ nhóm penny sang bluechips là hợp lý. Bởi hàng loạt cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng nên áp lực chốt lãi là không tránh khỏi. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu lớn giữ được đà tăng trong bao lâu còn phụ thuộc vào dòng tiền. Do đó, nếu dòng tiền không có sự tăng trưởng mạnh thì sớm muộn cũng quay lại nhóm cổ phiếu nóng.

Trả lời câu hỏi, liệu đã đến lúc “bank - chứng - thép” đồng loạt “khởi nghĩa”, ông Khoa cho rằng, thời điểm hiện tại, điều này khó xảy ra.

Theo ông Khoa, ở chu kỳ lãi suất, trên lý thuyết thì những ngành có độ nhạy với lãi suất cao trong nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản sẽ bật tăng mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, đà tăng trưởng bền vững của các nhóm cổ phiếu còn phải dựa vào thông tin hỗ trợ và yếu tố cơ bản. Bởi vậy, ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán, chuyên gia cho rằng hai nhóm còn lại chưa có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh, chủ yếu đi lên nhờ yếu tố tâm lý.

“Riêng nhóm chứng khoán có động lực hồi phục vì thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn rủi ro nợ xấu, chất lượng tài sản, tăng trưởng tín dụng đều có vấn đề khiến lợi nhuận khó tăng trưởng. Ngành thép đã có sự cải thiện nhưng nhu cầu trong nước vẫn đang rất yếu, biến động phức tạp từ thế giới khiến nhóm cổ phiếu này không có câu chuyện thực sự rõ ràng. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản dù được hưởng lợi từ hiệu ứng chính sách, song vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ”, ông Khoa cho biết.

Bình luận về triển vọng của bộ ba cổ phiếu này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam cho rằng, chứng khoán sẽ là nhóm cổ phiếu đi đầu, sau đó đến cổ phiếu ngân hàng, rồi đến cổ phiếu thép. Tuy nhiên, để cả ba nhóm cổ phiếu này tăng trưởng đồng thời để gồng gánh thị trường thì cần phải có các điều kiện nền tảng như kinh tế phục hồi tốt, cung tiền M2 tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Phục, điều này đang chưa rõ rệt nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể xảy ra, bởi thị trường chứng khoán đã tạo đáy từ cuối năm 2022, “mùa đông” chứng khoán cơ bản đã qua đi và thị trường sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Về thực trạng của từng nhóm ngành, theo ông Phục, kết quả kinh doanh hiện tại của nhóm hàng hóa, nguyên vật liệu cơ bản lúc này vẫn đang khó khăn, nhưng khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng trưởng trở lại thì nhóm ngành này cũng sẽ được hưởng lợi. Giai đoạn hiện tại, cổ phiếu nhóm này sẽ ổn định hoặc tăng giá chậm.

Quan sát diễn biến thị trường thời gian qua, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, hiện chưa phải thời điểm để cả ba nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép có thể đồng loạt “khởi nghĩa”, bởi dòng tiền trên thị trường chưa đủ mạnh.

“Tôi cho rằng, rất khó để dòng tiền có thể đổ vào ba ngành này cùng lúc. Có chăng là luân chuyển tiền giữa các ngành và giúp mặt bằng giá được nâng lên. Điều quan trọng nhất lúc này là dòng tiền không rút ra khỏi thị trường, khi như vậy thì có thể thu hút thêm dòng tiền mới”, ông Tuấn nhận định.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bank-chung-thep-kho-lam-lon-chuyen-post325008.html