Cách đây không lâu, báo chí Trung Quốc đã đưa tin Bộ Quốc phòng nước này có ý định ký hợp đồng mua 36 trực thăng trinh sát và tấn công Ka-52K Katran trị giá 1 tỷ USD do Nga sản xuất.
Số phương tiện nói trên dự kiến dùng để phân bổ cho 3 tàu đổ bộ tấn công (hay còn gọi là tàu sân bay trực thăng) Type 075 mà nước này vừa tiếp nhận 1 chiếc và đang thi công đóng mới 2 chiếc khác.
Những chiếc trực thăng nói trên là phiên bản hải quân của Ka-52 Alligator đã được thử nghiệm thời gian dài trên chiến trường Syria, đã trải qua chỉnh sửa để trở nên ngày càng đáng sợ hơn.
Theo ghi nhận của người phụ trách chuyên mục Part Satam của Tạp chí EurAsian Times, Ka-52K Katran thực sự xứng đáng nhận được sự quan tâm từ phía người mua nước ngoài.
Ông Satam lưu ý rằng trực thăng Ka-52K được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, có khả năng tấn công tàu chiến lớn, ưu việt hơn MH-60R Sea Hawk của Mỹ chỉ mang được tên lửa tầm ngắn AGM-119 Peguin.
Bên cạnh đó, trên chiếc Katran còn có sự hiện diện của pháo tự động 30 mm, tên lửa không đối đất Izdeliye 305 cũng như radar mảng pha quét chủ động, khiến nó trở thành một phương tiện chiến đấu đa năng thực sự.
Với những yếu tố trên, trực thăng Katran trở thành ứng viên khả dĩ nhất cho vai trò máy bay chiến đấu chủ lực trên các tàu đổ bộ Type 075 để phối hợp cùng tàu sân bay trong đội hình kết hợp.
Vai trò này của Ka-52K sẽ duy trì ít nhất cho tới khi Trung Quốc chế tạo được tiêm kích hạm với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng tương tự F-35B Lightning II của Mỹ.
Tờ báo Ấn Độ lưu ý: “Phương tiện này có thể hỗ trợ hỏa lực trên không một cách hiệu quả, đóng vai trò như cả máy bay tấn công và máy bay trinh sát, cung cấp thông tin về tình hình trên chiến trường".
Tác giả bài viết trên tờ EurAsian Times kể lại rằng Trung Quốc cũng có trực thăng WZ-10 của riêng mình, được quảng cáo là rất lợi hại, nhưng độ cơ động của nó kém hơn so với Ka-52K.
Ngoài ra kho vũ khí trang bị của WZ-10 cũng tương đối hạn chế, nhất là chưa được tối ưu hóa hoạt động trong môi trường có tính ăn mòn cao của nước biển như chiếc Katran.
Tổng hợp tất cả những điều trên, nhà quan sát Ấn Độ lưu ý rằng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) cần một máy bay trực thăng trên hạm đáng tin cậy nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tham vọng bành trướng trên biển.
Bên cạnh đó, với "truyền thống" của riêng mình, không thể loại trừ viễn cảnh Trung Quốc sẽ cho ra đời một bản sao chiếc trực thăng vũ trang lợi hại này trong tương lai rất gần.
Nhưng trước mắt Trung Quốc sẽ cố gắng tích hợp những loại vũ khí do mình chế tạo lên chiếc trực thăng Nga nhằm tạo ra tính đa dạng hóa đồng thời tiết kiệm ngân sách nhập khẩu.
Về phần Nga, họ sẽ phải có biện pháp chống sao chép sau khi bán Ka-52K cho Trung Quốc sau khi gặp những bài học đầy đau đớn trong quá khứ, điển hình là tiêm kích Su-27 Flanker.
Theo Bạch Dương/ANTĐ