Báo ảnh Gia Lai gắn bó với đồng bào Bahnar, Jrai

Trong 20 năm qua, Báo ảnh Gia Lai đã mang thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.

Cầu nối ý Đảng với lòng dân

Tỉnh Gia Lai có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó, người Jrai và Bahnar chiếm hơn 46% dân số. Tại nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn, bà con dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông nên việc tiếp nhận thông tin, hưởng thụ văn hóa bị hạn chế. Trước thực tế ấy, đầu năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Báo Gia Lai thực hiện thêm nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai với 3 ngữ Kinh, Jrai và Bahnar để phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 21-6-2001, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép cho Báo Gia Lai xuất bản ấn phẩm này.

Sau thời một gian chuẩn bị, ngày 25-6-2001, Báo ảnh Gia Lai chính thức ra mắt bạn đọc. Giai đoạn này, Báo ảnh chỉ phát hành mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 25 hàng tháng với 2.000 tờ. Bên cạnh việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, Báo ảnh còn góp phần giúp đồng bào thay đổi về nhận thức, thực hiện kế hoạch hóa gia đình và xóa bỏ hủ tục.

Đồng bào vùng sâu, vùng xa đọc Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Đồng bào vùng sâu, vùng xa đọc Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Ông Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-chia sẻ: “Thời điểm này, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình dân tộc, tôn giáo để chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Tờ Báo ảnh ra đời đã kịp thời vào cuộc tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc, vạch trần âm mưu phá hoại của các thế lực phản động; vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động vượt biên, biểu tình, bạo loạn... giúp người dân nâng cao cảnh giác và đấu tranh với kẻ thù, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng. Tờ báo thực sự đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân”.

Nhận thấy hiệu quả tuyên truyền của ấn phẩm đặc biệt này, ngày 10-3-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ/tháng, phát hành vào các ngày 15 và 30 hàng tháng. Đến ngày 10-3-2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tăng lên 3 kỳ/tháng, phát hành vào các ngày 10, 20, 30. Lúc này, vẫn chỉ với 4 trang báo, nhưng nhờ việc cải tiến cách đưa tin, trình bày nên Báo ảnh đã đảm bảo thông tin đầy đủ trên mọi lĩnh vực của tỉnh, các phóng sự ảnh phản ánh khá sinh động về cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào.

Ngày 10-3-2010, Tỉnh ủy bổ sung kinh phí để Báo ảnh Gia Lai tăng kỳ xuất bản lên mỗi tuần một kỳ, phát hành vào thứ hai hàng tuần với số lượng 3.000 tờ/kỳ. Việc rút ngắn thời gian xuất bản đã giúp cho bạn đọc tiếp cận những thông tin mới hơn, sớm hơn nên những câu chuyện đến với đồng bào đã trở nên gần gũi hơn. Chính việc làm này đã giúp cho số người tiếp cận Báo ảnh Gia Lai ngày càng nhiều và hiệu quả tuyên truyền cũng lan rộng trong cộng đồng.

Công cụ tuyên truyền của cán bộ cơ sở

20 năm qua, Báo ảnh Gia Lai luôn làm tốt vai trò tuyên truyền của mình, góp phần không nhỏ trong việc bổ sung thông tin cho bà con ở vùng khó khăn của tỉnh. Cán bộ lãnh đạo ở cơ sở và giáo viên dạy tại những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống có thêm điều kiện trau dồi tiếng dân tộc thiểu số và lấy tờ báo làm tư liệu, làm “dụng cụ” hỗ trợ cho công tác chuyên môn.

Ông Rơ Lan Phí-già làng Lang 1 (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) cho biết: “Mỗi thứ sáu hàng tuần, tôi đều được nhận tờ Báo ảnh Gia Lai. Tôi đã lấy những thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất; các gương điển hình, những kinh nghiệm làm ăn... được in trên tờ báo này để tuyên truyền cho dân làng. Nhờ vậy, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực tham gia xây dựng làng nông thôn mới”.

Cán bộ, biên dịch viên rà soát nội dung ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Cán bộ, biên dịch viên rà soát nội dung ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã chú trọng xây dựng đội ngũ biên dịch viên và cố vấn thẩm định nội dung. Ban Biên tập còn tổ chức lớp học tiếng Bahnar, Jrai cho đội ngũ cán bộ, phóng viên của cơ quan. Qua khảo sát tại các huyện, thị xã cho thấy, tờ báo ảnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt nhu cầu văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tờ báo còn làm nhiệm vụ phát triển, bảo tồn chữ viết của các dân tộc thiểu số, chống tái mù chữ cho đông đảo thanh-thiếu niên, giúp cho đội ngũ cán bộ người Kinh ở cơ sở học tiếng các dân tộc và cán bộ dân tộc thiểu số học tiếng phổ thông.

Ông Kpăh Hiup-Trưởng thôn Bạc 2 (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) khẳng định: “Ngoài việc tuyên truyền, Báo ảnh còn làm tốt nhiệm vụ gìn giữ và phát triển chữ viết của người Bahnar, Jrai. Nhiều thanh niên trong làng dựa theo Báo ảnh để học tiếng mẹ đẻ”.

Từ khi ra đời cho đến nay, Báo ảnh đã có bước phát triển không ngừng và luôn là người bạn đồng hành gắn bó với đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh.

ĐOÀN NGA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202106/bao-anh-gia-lai-gan-bo-voi-dong-bao-bahnar-jrai-5740474/