'Bão bụi' từ những chiếc xe chở quặng
Người dân thị trấn Tân Thanh và hai xã Thanh Hương, Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) phản ánh, trong thời gian dài, Công ty cổ phần đầu tư Thành Thắng Group (Thành Thắng Group) tiến hành khai thác đá sét tại mỏ đá Sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại địa bàn thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn đã gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lớn.
Người dân trong vùng cho biết, từ khi mỏ quặng Sét của Thành Thắng Group tiến hành khai thác, hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải chở quặng mang logo của Thành Thắng Group chạy rầm rập từ mỏ Sét tới nhà máy sản xuất xi măng của doanh nghiệp này gây khói bụi, phá nát đường giao thông. Xe chở đất, đá rơi vãi khắp đường, khi mưa xuống tạo vũng lầy, ảnh hưởng lớn đến khu vực canh tác, sản xuất của người dân.
Người dân ở thôn Cẩm Du (thị trấn Tân Thanh) cũng phản ánh rằng, chỉ nhận được tiền đề bù cây cối, chưa nhận được tiền hỗ trợ về đất, tiền tái sản xuất. Trong khi đó, cùng dự án mỏ sét của Thành Thắng Group nhưng người dân xã Liêm Sơn thì nhận được tiền đền bù cây cối hoa màu, tiền đất và tiền hỗ trợ sản xuất, còn người dân thị trấn Tân Thanh lại chưa được nhận số tiền trên.
Theo ghi nhận, ở tuyến đường dân sinh, hướng từ mỏ về nhà máy xi măng Thành Thắng thường xuyên có rất nhiều xe chở quặng trọng tải lớn không che chắn cẩn thận chạy rầm rập suốt ngày đêm gây hư hỏng tuyến đường dân sinh ĐH13. Mỗi lần xe quặng chạy qua, là kéo theo “cơn bão bụi” ập vào người đi đường và ập vào nhà dân.
Người dân còn cho rằng, từ khi mới chỉ có Giấy phép thăm dò trữ lượng khoáng sản, Thành Thắng Group đã tiến hành đưa máy móc vào khai thác tại khu vực mỏ tại xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ quặng sét của Thành Thắng Group trước đây thuộc quyền khai thác của Công ty CP Xi măng Thanh Liêm. Tại Văn bản số 108/UBND-DN&XTĐT ngày 23/1/2009 của UBND tỉnh Hà Nam về việc giải quyết đề nghị của Công ty CP Xi măng Thanh Liêm, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho Công ty này thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu mỏ sét tại địa bàn xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm và cho phép khai thác tận thu phần diện tích bìa núi Dốc Bưởi. Sau đó một thời gian, Công ty CP Xi măng Thanh Liêm phá sản. Mỏ đá sét này được Bộ TNMT cấp phép cho Thành Thắng Group tại văn bản số 71/GP-BTNMT ngày 11/1/2018. Theo đó, Thành Thắng Group được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét từ tháng 1/2018 tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ.
Theo giấy phép 71/GP-BTNMT, quyết định cho phép Thành Thắng Group khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét tại khu vực các xã Liêm Sơn và Thị trấn Tân Thanh. Trong đó, diện tích khai thác là 9,53 ha, với trữ lượng thai thác là 2,641,562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên trong thời gian 30 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh cho biết, đối với việc giải phóng mặt bằng thì Thành Thắng Group mua lại của Công ty CP xi măng Thanh Liêm và đã GPMB xong. Lãnh đạo thị trấn Tân Thanh thừa nhận, Xe tải của Thành Thắng Group có đi qua khu vực dân cư thì có gây ồn ào, bụi, có tưới nước và hạn chế nhưng cũng không thể tránh khỏi ô nhiễm được. Theo ông Toản, hiện tại Thành Thắng Group thực hiện dự án khai thác ở sườn núi của xã Liêm Sơn, họ không xây dựng khu hệ thống gom nước nên khi trời mưa, nước có chảy lên mặt đường, ảnh hưởng đến người dân khu vực khai thác mỏ. Theo một lãnh đạo UBND thị trấn Tân Thanh cho hay, Thành Thắng Group tiến hành khai thác mỏ quặng trước giấy phép.
Được biết, từ ngày 12/3/2020, Sở TNMT tỉnh Hà Nam đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản đối với Thành Thắng Group tại Dự án khai thác mỏ đá sét xi măng thuộc xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả kiểm tra.
Để làm rõ thông tin Thành Thắng Group có khai thác mỏ quặng Sét ở xã Liêm Sơn và Thị trấn Tân Thanh trước khi được cấp phép hay không, phóng viên đã liên hệ với Thành Thắng Group nhưng chưa nhận được sự hợp tác và phản hồi từ đơn vị này.