Báo cáo công khai thiếu chữ ký thủ trưởng, ĐH Ngoại thương nói do muốn 'nhanh'
Những năm gần đây, quy mô đào tạo thực tế tại các bậc học chính quy của Trường Đại học Ngoại thương đang có xu hướng gia tăng.
Trường Đại học Ngoại thương chính thức được thành lập từ 1967 theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương.
Website Nhà trường thông tin, lĩnh vực hoạt động của nhà trường là chú trọng đào tạo và nghiên cứu từ các ngành truyền thống và có thế mạnh về kinh tế, kinh doanh thuộc các lĩnh vực như Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh và quản lý, Nhân văn, Pháp luật , Du lịch và Khách sạn đến các lĩnh vực mới như Máy tính và Công nghệ thông tin; Báo chí và thông tin; Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác.
Về mục tiêu, trường có định hướng trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực châu Á.
Hiện trường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn là Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy là Chủ tịch Hội đồng trường.
Trường có trụ sở chính đặt tại số 91 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội; Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ sở Quảng Ninh.
Quy mô đào tạo các bậc học chính quy đều có xu hướng tăng nhưng diện tích đất/sinh viên rất thấp
Qua tìm hiểu báo cáo công khai về chất lượng đào tạo thực tế cho thấy, quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học chính quy của trường đều có xu hướng tăng trong 2 năm học gần đây.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Ngoại thương cho hay:
“Quy mô đào tạo đại học chính quy cho từng ngành của Nhà trường được giữ tương đối ổn định trong nhiều năm gần đây. Đối với các ngành mới mở, chỉ tiêu tuyển sinh mới dành cho mỗi ngành ở mức tối đa 50 chỉ tiêu/ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, số lượng tăng của quy mô sinh viên hệ đại học chính quy chủ yếu do Nhà trường mở thêm một số ngành học mới.
Còn đối với trình độ sau đại học, quy mô đào tạo tăng do Nhà trường xây dựng và ban hành mới một số chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ trên nguyên tắc đảm bảo điều kiện chất lượng và tuân thủ quy định về nguồn lực như đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu và chương trình đào tạo.
Việc làm này nhằm thể hiện sự luôn nỗ lực xây dựng và mở thêm các ngành, chương trình đào tạo mới, phù hợp với nhu cầu của xã hội, thu hút thêm người học đăng ký tham gia học tập. Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng được Nhà trường không ngừng tăng cường và mở rộng để đáp ứng các chuẩn khu vực và thế giới”.
Cũng theo báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế, phóng viên thấy rằng, quy mô sinh viên hệ đại học vừa làm vừa học lại có xu hướng giảm từ 2049 người (năm học 2022-2023) xuống 1.665 người (năm học 2023-2024), tức giảm 384 người sau 1 năm.
Về vấn đề này, thầy Hiền thông tin: “Trong những năm qua, Nhà trường luôn thực hiện cải tiến toàn diện các chương trình vừa làm vừa học, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng của các chương trình chính quy.
Do đó, Trường Đại học Ngoại thương chủ trương cơ cấu lại ngành/chương trình đào tạo và giảm quy mô tuyển sinh, tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo, nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng. Điều này dẫn tới quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học giảm trong thời gian vừa qua và dự kiến sẽ có điều chỉnh tăng nhẹ trong thời gian tới”.
Theo quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.
Tuy nhiên, qua báo cáo công khai về cơ sở vật chất của Nhà trường, phóng viên thấy rằng, hiện diện tích đất/sinh viên của nhà trường chỉ đạt 5,28m2. Trong khi đó, quy mô đào tạo hệ chính quy của nhà trường lại đang có xu hướng gia tăng.
Thầy Hiền cho biết: “Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành ngày 5/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu từ năm 2030 cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng tối thiểu diện tích đất 25m2/sinh viên.
Thời gian qua, Nhà trường đã và đang chủ động triển khai mở rộng khuôn viên tại Hà Nội và Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổng diện tích khoảng trên 50 hecta.
Với kế hoạch mở rộng khuôn viên như trên, đến năm 2030, Nhà trường sẽ đảm bảo điều kiện về diện tích phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ở cuối mỗi bản báo cáo công khai thông tin phải ghi rõ được công khai vào ngày tháng năm nào và có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị.
Mặt khác, so sánh báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường trong 3 năm học gần đây (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) cho thấy, đã nhiều năm liền, trường không có giảng viên nào có chức danh giáo sư.
Đối với thực tế này, thầy Hiền thông tin: “Trường Đại học Ngoại thương luôn xác định việc thu hút, đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ then chốt có tính chất nền tảng cho sự phát triển của Nhà trường đặc biệt trong bối cảnh mới.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040, Nhà trường đã xác định một trong các mục tiêu chiến lược là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc, có năng lực trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu quan trọng này, Nhà trường đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đột phá, nhất là trong thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự: chính sách thu hút các chuyên gia trong nước và nước ngoài là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến làm việc tại trường; xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng chuyên sâu và cá nhân hóa cho các nhóm giảng viên khác nhau.
Nhằm thực hiện mục tiêu quốc tế hóa nhân sự, Nhà trường có chính sách mời các giáo sư đến từ các trường đối tác từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc… Ngoài việc giảng dạy, các giáo sư nước ngoài tham gia huấn luyện và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ.
Hơn nữa, Trường Đại học Ngoại thương cũng tạo điều kiện để các giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu lớn mà Nhà trường đầu tư. Kết quả, trong thời gian vừa qua, giảng viên của Nhà trường đã tạo được nhiều nhóm nghiên cứu mạnh có sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế, có nhiều công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín quốc tế trong danh mục Wos với trích dẫn nằm trong tốp 1% của thế giới.
Đây là các chính sách nhằm tạo cơ hội và môi trường tốt nhất cho các giảng viên phát triển năng lực, đồng thời là động lực giúp Nhà trường tăng số lượng và tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư trong tương lai".
Vì sao nguồn thu của trường từ nghiên cứu khoa học tăng còn từ nguồn hợp pháp khác lại giảm?
Mặt khác, qua báo cáo công khai tài chính trong 2 năm học gần đây, phóng viên thấy rằng, năm 2022, trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhưng năm 2023 đã có nguồn thu này đạt 4,350 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác lại có xu hướng giảm.
Theo thầy Hiền, năm 2023, thực hiện yêu cầu, nhu cầu về thông tin, Nhà trường đã báo cáo tách thông tin về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và các nguồn thu từ hoạt động đào tạo khác ra khỏi nguồn thu hợp pháp khác nên nguồn thu hợp pháp khác năm 2023 giảm so với năm 2022.
Cũngtừ số liệu trong báo cáo công khai tài chính cũng cho thấy, nguồn thu từ các nguồn hợp pháp khác của trường là tương đối cao. Đơn cử, năm 2022, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 33,6% trên tổng thu; tỷ lệ này ở năm 2023 là 29,2%.
Thầy Hiền chia sẻ: "Nguồn thu hợp pháp khác của Nhà trường xuất phát từ việc đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, từ đó đa dạng hóa các nguồn thu hợp pháp khác. Đặc biệt, nguồn thu chính giúp cho nhà trường nâng cao nguồn thu hợp pháp khác là từ những khóa đào tạo bồi dưỡng cho các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương".
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ở cuối mỗi bản báo cáo công khai thông tin phải ghi rõ được công khai vào ngày tháng năm nào và có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/07/2024, tại tất cả các báo cáo công khai thông tin năm học 2023-2024 của Trường Đại học Ngoại thương đăng tải trên cổng thông tin điện tử đều không có chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị.
Đối với vấn đề này, thầy Hiền bày tỏ, Nhà trường đã có báo cáo công khai với dấu và chữ ký đầy đủ của thủ trưởng đơn vị để công khai và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thuận tiện và nhanh chóng, Nhà trường chỉ tải bản mềm trên cổng thông tin điện tử (do có tới gần 2000 trang báo cáo). Nội dung bản mềm công khai trên website và nội dung bản có chữ ký đóng dấu là như nhau. Thời hạn công khai cũng được Nhà trường tuân thủ theo đúng quy định của Thông tư 36.