Báo cáo hay vu cáo?

Theo các cơ quan chức năng, liên tục trong tháng 8 và 9-2022, đã có 2 lần người lao động Việt Nam tại các casino bên Campuchia bỏ chạy về nước. Cụ thể, ngày 18-8 có 42 người làm việc tại casino Rich World bỏ chạy, bất chấp nguy hiểm bơi qua sông về biên giới tỉnh An Giang. Sau đó 1 tháng, ngày 17-9 tiếp tục có 60 người Việt Nam lợi dụng trời mưa to đã bỏ chạy tán loạn từ sòng bài ở thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng về biên giới Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Còn nhớ hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo về tình hình buôn người năm 2022. Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ không biết dựa vào đâu để xếp Việt Nam trong nhóm 3, tụt 18 bậc so với báo cáo năm 2021. Nếu như đúng theo báo cáo thì một số viện trợ từ Mỹ có thể sẽ bị hạn chế đối với những nước trong nhóm 3. Lợi dụng việc này, cùng với ghép nối 2 vụ người Việt chạy trốn khỏi các sòng bài trên đất nước Campuchia về Việt Nam, các trang facebook, truyền thông có cái nhìn thiếu thiện chí với Việt Nam như: RFA, BBC tiếng Việt, Việt Tân… lập tức “tát nước theo mưa”, vu cáo Việt Nam bằng những luận điệu đầy tính xuyên tạc, kích động. Chúng cho rằng từ 2 vụ việc người Việt bỏ chạy khỏi các sòng bài Campuchia về nước, đến việc Việt Nam bị tụt 18 bậc trong báo cáo tình hình buôn người cho thấy quan chức và Chính phủ nước ta đang tiếp tay cho nạn buôn người. Kể cả khi Việt Nam đã có những chính sách bảo hộ công dân tại Campuchia nhưng chúng vẫn nói Chính phủ Việt Nam thờ ơ với người lao động tại nước ngoài, thờ ơ với nạn buôn người, không có động thái gì để giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người hồi hương…

Những báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và sau đó là nhận xét, đánh giá của các tổ chức, các trang truyền thông đều là hành động thiếu khách quan, phiến diện. Cách nhìn nhận vô lý đó đã đi ngược lại với nỗ lực của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người những năm qua.

Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, đó là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm, quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, để có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn bán người, từ trước đến nay, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, lắng nghe những khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Thế nhưng gần đây, dựa vào một số vụ việc đơn lẻ và đánh giá thiếu khách quan của Bộ Ngoại giao Mỹ, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những luận điệu vu cáo, xảo trá đối với công tác phòng, chống nạn mua bán người của Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán người, bắt người làm nô lệ, đó là điều đương nhiên chúng ta phải khẳng định. Cụ thể trong Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều có các quy định về quyền công dân và quyền con người được Nhà nước bảo hộ. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013 đã dành cả Chương hai để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trên thực tế, việc phòng, chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều văn bản, chính sách pháp luật về phòng ngừa, mua bán người, lao động cưỡng bức, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã được ban hành. Tiêu biểu là Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Theo đó, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm là ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trong đầu năm 2021. Cũng trong đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20 về quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là hành động thể hiện sự quan tâm hỗ trợ, chăm sóc các nạn nhân của hành vi mua bán người. Về nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Việt Nam đang tích cực xây dựng quy chế phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ những nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang làm rất tốt công tác đấu tranh phòng, chống nạn mua bán người. Theo số liệu thống kê, trong khoảng 10 năm, từ 2010-2020, trên địa bàn cả nước đã điều tra, khám phá hơn 4.000 vụ, khởi tố hơn 6.000 bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài. Không chỉ vậy, việc thiết lập tổng đài 111, tổng đài bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân mua bán người của Chính phủ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã đem lại hiệu quả cao. Chỉ trong 3 năm, đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân của mua bán người đã tiếp nhận hơn 9.000 cuộc gọi, trong đó có 165 nạn nhân đã được giải cứu. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cơ quan chức năng Việt Nam trong phòng, chống nạn mua bán người được thể hiện bằng các số liệu nêu trên là minh chứng hùng hồn nhất bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc.

Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác mà chúng ta tham gia. Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ các công ước của Liên hợp quốc về chống mua bán người như Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thực trạng hiện nay nạn buôn bán người vẫn diễn ra khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đây là loại tội phạm nguy hiểm đã được Liên hợp quốc xác định là vấn nạn nhức nhối của cả thế giới nói chung. Đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn còn tình trạng thiếu việc làm, một số người lao động vì nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy những kẻ buôn người có tổ chức và đã phải chịu hậu quả, tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần.

Truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, là nét đẹp, đặc trưng trong văn hóa. Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mỗi công dân của mình. Những báo cáo theo kiểu vu cáo, nhiều luận điệu phủ nhận, xuyên tạc về việc bảo đảm quyền con người, đấu tranh với tội phạm buôn bán người đều được thực tế lên án. Những cáo buộc phi lý đó không thể làm suy giảm quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ công dân của mình ở mọi nơi trên thế giới.

Đỗ Thành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137302/bao-cao-hay-vu-cao