Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị; kết quả thực hiện các nội dung như sau:
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 10-7, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đối với nhóm kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB, khoáng sản, môi trường, đơn cử như: Cử tri TP Thanh Hóa, cử tri thị xã Nghi Sơn, cử tri TP Sầm Sơn... đề nghị UBND tỉnh quy định cụ thể nguyên tắc bồi thường về đất ở, bố trí tái định cư... Đối với từng kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo:
Đối với trường hợp Nhà nước thu hồi một phần thửa đất mà phần còn lại đủ điều kiện để ở: Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1701/STNMT-CSĐĐ ngày 7-3-2023 hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; do đó, yêu cầu UBND TP Thanh Hóa triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định.
Đối với trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích thửa đất: Nội dung này đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ; đề nghị UBND TP Thanh Hóa tổ chức triển khai và chủ động thực hiện theo thẩm quyền.
Cử tri thị xã Nghi Sơn đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành đơn giá bồi thường nhà công trình vật kiến trúc mới thay thế đơn giá đã ban hành tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 6-8-2019 của UBND tỉnh và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh:
Về sớm ban hành đơn giá bồi thường nhà công trình vật kiến trúc mới thay thế đơn giá đã ban hành tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 6-8-2019 của UBND tỉnh: Ngày 10-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ban hành Đơn giá xây dựng nhà, công trình làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; do đó, giao UBND thị xã Nghi Sơn căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện.
Về sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh: Ngày 22-2-2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 55/TTr-BCS xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo; đến nay, UBND tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định để ban hành trong Quý II năm 2023.
Cử tri huyện Triệu Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bước nhanh hơn, thuận tiện hơn cho người dân: Ngày 2-2-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 647/STNMT-VPĐK gửi UBND huyện Triệu Sơn. Theo đó, đề nghị UBND huyện rà soát số lượng, cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn phản ánh về việc cấp Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ việc có hay không việc chậm giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân (kể cả đối với hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu và hồ sơ đăng ký biến động); đồng thời, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị cụ thể các nội dung cần chỉ đạo giải quyết để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận. Ngày 2-3-2023, UBND huyện Triệu Sơn đã có Công văn số 673/UBND-TNMT báo cáo giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Do đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Triệu Sơn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện.
Kiến nghị về nhóm nội dung khoáng sản và môi trường, cử tri TP Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Đông Nam (Đông Sơn) theo thời gian đã giao sau khi các sở, ban, ngành đã làm việc với chủ đầu tư: Hiện nay, dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Đông Nam đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng nhà máy, lắp đặt hoàn chỉnh các dây chuyền tiếp nhận, sơ chế, phân loại, xử lý, đốt rác, sản xuất phân vi sinh và công trình phụ trợ (riêng hạng mục hố chôn rác trơ hoàn thành 90% khối lượng). Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghệ môi trường Ecotech đã thực hiện vận hành liên động và thử tải đồng bộ dây chuyền xử lý rác thải vào tháng 12-2022 theo cam kết với UBND tỉnh. Hiện Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghệ môi trường Ecotech đang phối hợp đơn vị tư vấn để lập hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường cho dự án để được vận hành thử nghiệm; Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nghiệm thu về PCCC. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động chính thức trong quý III năm 2023.
Cử tri huyện Triệu Sơn đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty CP Cromit Nam Việt đảm bảo môi trường cho Nhân dân. Vì trong quá trình vận hành chạy thử có mùi hôi, mùi khét: Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu chất thải và kết quả giám sát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 9292/STNMT-BVMT ngày 20-9-2022 báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Công ty CP Cromit Nam Việt đã thực hiện đúng kế hoạch vận hành thử nghiệm, chưa phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; chất lượng khí thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép. Ngày 24-10-2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 15828/UBND-NN yêu cầu Công ty CP Cromit Nam Việt khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, quy hoạch xây dựng có liên quan và các hồ sơ công trình xử lý chất thải của dự án; lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường Nhà máy sản xuất Ferocrom theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, trình cấp thẩm quyền xem xét.
Đối với nhóm kiến nghị về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị; cử tri huyện Thạch Thành kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Kim Tân đến năm 2035, tạo điều kiện để đơn vị thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh đảm bảo thời gian theo lộ trình: Theo báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 23-2-2023, UBND huyện Thạch Thành mới gửi hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Kim Tân đến năm 2035 về Sở Xây dựng. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức thẩm định đồ án theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Cử tri thị xã Nghi Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn thiện dự án Khu nghĩa trang phường Mai Lâm theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt: Dự án Khu nghĩa trang phường Mai Lâm đã phê duyệt quyết toán và bàn giao cho xã Mai Lâm (nay là phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn) từ năm 2009 tiếp nhận tài sản, thực hiện quản lý, vận hành khai thác. Vì vậy, đối với kiến nghị đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện đối với dự án trên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn kiểm tra tình hình thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc đầu tư nâng cấp, cải tạo theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Cử tri phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa)... kiến nghị về đầu tư hạ tầng giao thông, UBND tỉnh chỉ đạo cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như: Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận huyện Hoằng Hóa đoạn từ xã Hoằng Ngọc đi Sầm Sơn tiến độ chậm; đẩy nhanh thi công tuyến đường ven biển đoạn qua địa bàn phường Quảng Châu và đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận huyện Hoằng Hóa đoạn từ xã Hoằng Ngọc đi Sầm Sơn.
Đối với kiến nghị về đầu tư hạ tầng thủy lợi của cử tri TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Nga Sơn..., tỉnh đã giao các đơn vị, ngành, địa phương phối hợp giải quyết.
Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của cử tri TP Thanh Hóa, đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho TP Thanh Hóa được xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách khuyến khích tại Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 17-12-2011 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, đề nghị UBND TP Thanh Hóa căn cứ tình hình thực tế, các quy định hiện hành của pháp luật, quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21-4-2017 của Chính phủ để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Đối với lĩnh vực kinh tế - ngân sách, quản lý tài sản công và đầu tư, cử tri có các kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể việc xử lý các tài sản công dôi dư sau sáp nhập xã, sớm đưa vào sử dụng, tránh tình trạng để lâu sẽ hư hỏng, xuống cấp, như: Nhà văn hóa thôn, công sở xã, trường học,...
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo số 15875/UBND-KTTC ngày 25-10-2022 về việc rà soát, đề xuất xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư và Thông báo số 16/TB-UBND ngày 17-2-2023 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Tài chính về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022. Theo đó, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan, tổ chức thẩm định phương án đề xuất xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư của các đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định. Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện rà soát gửi phương án và hồ sơ kèm theo về Sở Tài chính. Hiện tại, Sở Tài chính đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hiện trạng, thẩm định các phương án, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án theo quy định.
Kiến nghị về lĩnh vực đầu tư, cử tri huyện Cẩm Thủy đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp tại xã Cẩm Châu, đồng thời nâng mức giá đền bù cho dân; tỉnh đề nghị UBND huyện Cẩm Thủy khẩn trương hoàn thành Phương án và triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực hoàn thiện thủ tục để tiến hành đầu tư hạ tầng theo tiến độ đã được điều chỉnh.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, có các kiến nghị, đề nghị tỉnh bổ sung nhân viên y tế, nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non. Đối với nội dung này, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2564/BNV-CCVC ngày 16-6-2022 về việc hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học, trong đó đã quy định rõ: Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện việc ký hợp đồng (6 tháng) với người có trình độ chuyên môn y khoa hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với y tế cơ sở, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc y tế tư nhân; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; giải quyết chế độ, chính sách khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với cá nhân là người có trình độ chuyên môn y khoa được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, bảo đảm mức lương tối thiểu vùng và tương quan hợp lý giữa các vị trí việc làm trong đơn vị; nguồn tài chính thực hiện ký hợp đồng được bố trí từ nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm của đơn vị theo phân cấp hiện hành.
Đối với việc hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non: Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ đã có Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 về việc quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong đó tại mục 1, Điều 6 của Thông tư có quy định: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ quy định nêu trên để thực hiện việc hợp đồng lao động làm nhân viên y tế và nhân viên nuôi dưỡng trong các nhà trường.
Về cơ chế cấp hỗ trợ kinh phí đối với giáo viên hợp đồng cho các trường thiếu giáo viên và có quy định định mức hỗ trợ cụ thể: Ngày 14-10-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021- 025, trong đó: Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh rà soát, đề xuất phương án hợp đồng giáo viên các bậc học đảm bảo định mức giáo viên/lớp theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQCP ngày 3-7-2020 của Chính phủ; Sở Nội vụ đã phối hợp Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, xác định số chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên và lượng kinh phí chi trả theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, vì số lượng kinh phí chi trả quá lớn, trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, nên chưa thể cân đối để chi trả đồng bộ cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố theo nhu cầu số lượng hợp đồng lao động của các địa phương.
Về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, nội vụ, cử tri huyện Hoằng Hóa đề nghị tỉnh có phương án tuyển dụng hoặc hướng dẫn bố trí, sắp xếp công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường hiện đang còn thiếu: Hiện nay công chức địa chính - xây dựng nói riêng và công chức xã nói chung đang được UBND tỉnh tạm dừng tuyển dụng do lượng công chức xã còn dôi dư quá nhiều do áp dụng thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước; việc bố trí sắp xếp công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường hiện đang còn thiếu thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, do vậy UBND cấp huyện phải có kế hoạch để thực hiện cử đi đào tạo để phù hợp với vị trí việc làm.
Đối với nhóm nội dung về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và nông thôn mới, trả lời kiến nghị của cử tri huyện Hoằng Hóa về kiến nghị tỉnh xem xét quy hoạch, bổ sung quy hoạch; có cơ chế chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tỉnh đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa thông tin đến cử tri được biết:
Về xem xét quy hoạch, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Hoằng Tiến: Ngày 20-2-2023, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1903/UBND-CN về chủ trương điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến đến năm 2045, UBND huyện Hoằng Hóa đã trình UBND tỉnh Thanh Hóa xin phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến (Hoằng Hóa), tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.
Về cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao: Ngày 17-4-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐCP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp.
Về lĩnh vực an ninh trật tự, quốc phòng, đối ngoại, an toàn giao thông và các vấn đề khác, cử tri TP Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, xử lý tình trạng các xe chạy quá khổ, quá tải, chở vật liệu xây dựng không che bạt rơi vương vãi ra đường tuyến Quốc lộ 45 đoạn qua phường An Hưng và xe chạy vào cụm công nghiệp Vức trên các tuyến đường thuộc xã Đông Vinh gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn, hư hỏng các tuyến đường trong xã và khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của người dân: Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm xe chở quá tải, quá khổ; tuyên truyền vận động các chủ doanh nghiệp chấp hành công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Để tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường, đề nghị UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về trật tự an toàn giao thông ngay tại các tuyến đường, bến, bãi trên địa bàn quản lý của địa phương; nắm bắt cung cấp kịp thời thông tin về các điểm nóng, nổi cộm về phương tiện vận tải không có đăng ký, đăng kiểm, cơi nới kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải trọng cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 217, 217B đoạn đi qua các xã Hà Đông, Hà Lĩnh, Hà Long và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền đối với các chốt giao thông đang hoạt động trên tuyến đường. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải tăng cường chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm xe chở quá tải, quá khổ; tuyên truyền vận động các chủ doanh nghiệp chấp hành công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương chủ động, quyết liệt kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về trật tự an toàn giao thông ngay tại các tuyến đường, bến, bãi trên địa bàn quản lý của địa phương; nắm bắt cung cấp kịp thời thông tin về các điểm nóng, nổi cộm về phương tiện vận tải không có đăng ký, đăng kiểm, cơi nới kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải trọng cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.