Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ cổ được làm bằng gì?
Trong số hàng nghìn cổ vật, một món đồ nhỏ làm từ vải lanh đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Vật dụng này giống bao cao su, có chứa ADN của vua Tutankhamun.
Năm 1922, khi lần đầu tiên phát hiện lăng mộ của Tutankhamun - pharaoh cai trị Ai Cập khoảng năm 1333 - 1323 trước Công nguyên – nhà khảo cổ học người Mỹ Howard Carter đã vô cùng sửng sốt trước hàng loạt món đồ tùy táng ấn tượng. Đó là hơn 5.000 món đồ tạo tác làm từ nhiều chất liệu như vàng bạc, gỗ mun, ngà voi... được chế tác vô cùng tinh xảo.
Trong số hàng nghìn cổ vật quý giá, một món đồ nhỏ làm từ vải lanh đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Vật dụng này được thiết kế giống như bao cao su ngày nay. Theo đó, bao cao su cổ đại gồm một chiếc "vỏ bọc" làm từ vải lanh mịn, ngâm trong dầu ô liu. Nó còn được gắn vào một sợi dây buộc quanh bụng. Ước tính, cổ vật được "sản xuất" vào năm 1350 trước Công Nguyên, trở thành chiếc bao cao su lâu đời nhất thế giới còn tồn tại.
Kết quả kiểm tra cho thấy, vật dụng 3.000 năm tuổi này chứa ADN của vua Tutankhamun. Có vẻ đây cũng được coi là vật dụng cần thiết cho vua Tutankhamun ở cõi vĩnh hằng, Joanna Gillan, đồng sáng lập chuyên trang khảo cổ Ancient Origins, viết trên trang này hôm 12/7.
Các chuyên gia nhận định, nếu bao cao su này dùng để tránh thai thay vì mục đích nghi lễ hoặc phòng bệnh, có vẻ nó sẽ không mang lại hiệu quả cao. Thực tế, các chuyên gia cũng tìm thấy hài cốt của 2 thai nhi trong lăng mộ Tutankhamun và xét nghiệm gen cho thấy vị pharaoh này là cha ruột.
Theo sử liệu, người Ai Cập cổ đại sử dụng nhiều biện pháp tránh thai khác nhau. Một trong số đó là hỗn hợp gồm phân cá sấu trộn cùng các thành phần khác, tạo ra vòng tránh thai. Người Ai Cập cổ đại tin rằng, phân cá sấu có tính kiềm, đóng vai trò như chất để tiêu diệt tinh trùng.
Ai Cập có thể là một trong những nền văn minh đầu tiên trên thế giới sáng tạo và sử dụng bao cao su nhưng những nền văn minh khác cũng sớm tiếp bước. Ở La Mã cổ đại, bao cao su được làm từ vải lanh và bàng quang hoặc ruột động vật. Trung Quốc cổ đại sử dụng giấy lụa tẩm dầu. Tại Nhật Bản, người xưa dùng mai rùa hoặc sừng động vật. Bộ lạc Djukas cổ xưa ở New Guinea có bao cao su dành cho phụ nữ làm từ một loại cây. Trong khi người Hồi giáo và người Do thái thời Trung Cổ nghĩ ra việc bôi hắc ín hoặc "ngâm" bộ phận nhạy cảm của nam giới trong nước ép hành tây, với mục đích tránh thai.
Khi đợt bùng phát giang mai đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào thế kỷ 15 trong quân đội Pháp, nhu cầu về biện pháp bảo vệ trở nên thiết yếu hơn và những miếng vải lanh ngâm trong dung dịch hóa học được sử dụng rộng rãi. Ngoài vải lanh, một số bao cao su thời Phục hưng còn làm từ bàng quang hoặc ruột động vật.
Bao cao su được cách mạng hóa vào đầu thế kỷ 19 với việc sử dụng cao su. Đến năm 1850, một số công ty cao su bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm này.
Minh Hoa (t/h)