Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Yêu cầu chuyển đổi kết hợp
Ngày 9/4, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đã công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi Số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh.
Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi Số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, ấn phẩm năm nay hướng mục tiêu cung cấp các khái niệm và xu hướng của Chuyển đổi Kép diễn ra trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ về những tác động mà nó có thể đem tới Việt Nam.
Nắm bắt được xu hướng tất yếu trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Chuyển đổi Xanh cùng với Chuyển đổi Số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.”
Trên cơ sở đó, Cục Phát triển doanh nghiệp đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng báo cáo nhằm cung cấp thông tin và xu hướng để hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi Số đúng hướng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo ông Trung, ấn phẩm này sẽ cung cấp “bức tranh” tổng thể và cập nhật về tình hình Chuyển đổi Số trên thế giới và tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép. Đây là một xu hướng đang được các doanh nghiệp trên thế giới thực hiện trong quá trình Chuyển đổi Số.
“Báo cáo thường niên Chuyển đổi Số năm 2023 sẽ cung cấp những thông tin hữu ích với những bài học kinh nghiệm về Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh giúp cho cộng đồng doanh nghiệp để từ đó có những lựa chọn đúng đắn trong quá trình Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh đồng thời cũng đưa ra những góc nhìn mới để các bộ, ngành và địa phương tiếp cận trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp,” ông Trung nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phòng Hỗ trợ Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp, cho biết xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Bà Quyên nhấn mạnh, tại Việt Nam, Công nghệ Số và Chuyển đổi Số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình Kinh tế Xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về Tăng trưởng Xanh.
Cụ thể là giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng Công nghệ Số và Chuyển đổi Số), đồng thời xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Theo Khảo sát được tiến hành cho đến cuối năm 2023 với sự tham gia của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc từ các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm công nghiệp chế biến và sản xuất, khai thác, bán buôn và bán lẻ, giáo dục và đào tạo, bất động sản..., nhìn chung chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp được khảo sát thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến và sản xuất cho thấy mức độ quan tâm cao đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Tiếp theo là nhóm các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản và ngành giáo dục chiếm khoảng từ 12-13%.
Về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (MĐSS CĐS) của 500 vừa và nhỏ nêu trên, nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia đều có mức độ nhận thức về chuyển đổi số ở mức Nâng cao. So với năm 2022, ghi nhận MĐSS CĐS trung bình ở tất cả các khía cạnh đều có xu hướng tăng.
Khía cạnh định hướng chiến lược có chỉ số đánh giá cao nhất vào năm 2022 và tiếp tục dẫn đầu vào năm 2023 với MĐSS CĐS là 3,3. Đây là điều dễ hiểu bởi trong những năm gần đây, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
MĐSS CĐS trong khía cạnh Nghiệp vụ quản lý tài chính kế toán, Kế hoạch, Pháp lý và Nhân sự cũng như khía cạnh Trải nghiệm khách hàng và Bán hàng đa kênh cũng đều ghi nhận sự cải thiện so với năm 2022, lần lượt đạt 3,1 và 3,0. Do đã có thời gian được phổ biến về nhận thức, tầm quan trọng của chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng hơn trong việc triển khai chuyển đổi số đối nhằm tối ưu hóa năng lực quản trị nội bộ cũng như mô hình kinh doanh.
Khía cạnh Trải nghiệm khách hàng và Bán hàng đa kênh được đặc biệt quan tâm trong việc ứng dụng chuyển đổi số vì đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì, gia tăng sức hút với khách hàng và nguồn doanh thu. Cụ thể, với sự thay đổi nhanh chóng về hành vi, thói quen mua sắm, tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là sự phổ biến của nền tảng thương mại điện tử đòi hỏi doanh nghiệp tích cực đầu tư, phát triển các giải pháp và công nghệ số để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng cũng như cung cấp những trải nghiệm tốt hơn, mang tính cá nhân hóa cao hơn.
Xét theo ngành, nếu như trong năm 2022, có bốn ngành bao gồm Giáo dục đào tạo, Bất động sản, Hoạt động hành chính & hỗ trợ và Nghệ thuật, vui chơi & Giải trí đều đạt điểm MĐSS CĐS dưới trung bình (<2,5) (Hình 6), thì trong năm 2023, tất cả các ngành đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm MĐSS CĐS, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2,5) với mức tăng từ 0,7 – 1,4 điểm so với năm trước
Theo ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số Misa, nhìn chung so với năm 2022, doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình, cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này.
Tuy vậy, ông Biển vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, trong đó vấn đề nằm ở việc, mặc dù đã có nhận thức cao hơn nhưng mức độ áp dụng chuyển đổi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ở mức áp dụng một phần, và chưa đạt được như yêu cầu đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.
Trong đó, tính kết nối trong công tác chuyển đổi số nội bộ rất yếu và thiếu dẫn đến việc chuyển đổi số trong nội bộ không đồng bộ, kém hiệu quả, từ đó không khai thác giá trị mà công tác chuyển đổi số mang lại. Đây là vấn đề cần được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm và có những giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc thương mại 1C Việt Nam cho rằng, một phần nguyên nhân đến từ việc hiện nay, một bộ phận doanh nghiệp dù quyết tâm nhưng nhìn chung thiếu thông tin hỗ trợ mang tính thực tế về việc chuyển đổi số ra sao, chuyển đổi số như thế nào sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình. Do đó, đây cũng là bài toán mà các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số sẽ phải quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới, nhất là việc kết hợp với cơ quan quản lý trong việc đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“1C Viet Nam chúng tôi sẵn sàng sẽ đồng hành cùng Cục phát triển doanh nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đối số với chính sách hỗ trợ giá gói phần mềm Quản trị doanh nghiệp toàn diện (giải pháp Mini-ERP) chỉ từ 40 triệu đồng dành cho tối đa 50 doanh nghiệp. Giải pháp phần mềm đáp ứng tối đa chức năng quản trị tổng thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Hoài Anh chia sẻ và kỳ vọng điều này sẽ góp phần vào mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.