Báo cáo việc làm của Mỹ khiến giới đầu tư thận trọng hơn
Chứng khoán Mỹ ít thay đổi trong phiên thứ Năm (6/6), khi giới đầu tư chậm lại chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng sẽ được thông báo vào ngày mai.
Thị trường giao dịch có phần chậm lại, khi giới đầu tư thận trọng theo dõi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng Năm, dự kiến sẽ có vào ngày thứ Sáu. Báo cáo này kỳ vọng sẽ cung cấp thêm manh mối về sức mạnh của thị trường lao động và con đường chính sách lãi suất của Fed sắp tới.
Một báo cáo khác hôm thứ Năm từ Bộ Lao động cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng hơn dự kiến lên mức 229.000 được điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 1/6, báo cáo mới nhất trong một chuỗi các báo cáo cho thấy sự thắt chặt trên thị trường lao động, giúp Fed có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch nhận thấy 68% cơ hội giảm lãi suất vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.
Một số người tham gia thị trường cũng chỉ ra áp lực ngày càng tăng đối với Fed khi cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Canada bắt đầu chu kỳ nới lỏng.
Kết thúc phiên 6/6: Chỉ số Dow Jones tăng 78,84 điểm (+0,20%), lên 38.8086,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,07 điểm (-0,02%), xuống 5.352,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 14,78 điểm (-0,08%), xuống 17.173,12 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và chăm sóc sức khỏe, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, nhưng không báo hiệu động thái tương tự trong tương lai gần.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,66% lên 524,68 điểm.
ECB đã tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019, với lý do có những cải thiện trong việc hạ nhiệt lạm phát, ngay cả khi cơ quan này thừa nhận cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.
ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2%.
Hội đồng điều hành ECB nêu rõ dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cũng như chính sách tiền tệ, hội đồng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng chỉ có một thành viên Hội đồng quản trị ECB phản đối quyết định cắt giảm lãi suất.
Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu mức tăng, nhích 1,7%, trong khi chăm sóc sức khỏe tăng 1,4% và công nghệ tăng 1,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2000.
Các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như tiện ích và bất động nằm trong số những ngành mất điểm, lần lượt giảm 0,9% và 0,6%.
Kết thúc phiên 6/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 38,39 điểm (+0,47%), lên 8.285,34 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 76,73 điểm (+0,41%), lên 18.652,67 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 33,55 điểm (+0,42%), lên 8.040,12 điểm.
Giá dầu thô hồi phục sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm lãi suất, làm dấy lên hy vọng Fed sẽ có động thái tương tự. Bên cạnh đó, giá dầu leo dốc một phần bởi các bộ trưởng OPEC+ trấn an các nhà đầu tư rằng thỏa thuận sản lượng dầu mới nhất có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường.
Kết thúc phiên 6/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,48 USD (+2%), lên 75,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,46 USD (+1,86%), lên 79,87 USD/thùng.