Báo cáo viên của Liên Hợp Quốc chỉ trích Đức và Namibia
Các báo cáo viên của Liên Hợp Quốc đã chỉ trích chính phủ Đức và Namibia vì loại dân tộc thiểu số Herero và Nama khỏi cuộc đàm phán về việc bồi thường cho tội ác với tổ tiên họ.
Bảy báo cáo viên của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chính phủ Đức chịu trách nhiệm cho mọi tội ác của họ ở Namibia - bao gồm cả giết người hàng loạt, và nói rằng việc hai dân tộc thiểu số Herero và Nama phải gián tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán qua một ủy ban cố vấn là sai trái, Guardian đưa tin ngày 28/4.
Các báo cáo viên cũng kêu gọi Đức bồi thường trực tiếp cho người Herero và Nama chứ không phải chính phủ Namibia.
Trọng tâm của vấn đề là vụ sát hại dã man hàng chục nghìn người Herero và Nama trong khoảng thời gian từ năm 1904 đến năm 1908.
Vào tháng 1, các luật sư đại diện cho người Herero và Nama đã kiến nghị lên tòa án Namibia nhằm bác bỏ “tuyên bố chung” giữa Đức và Namibia vì trái với nhiều điều khoản khác nhau trong hiến pháp nước này.
Chính phủ Berlin và Windhoek đã thông qua tuyên bố này vào năm 2021, sau nhiều năm thảo luận. Theo thỏa thuận, Đức sẽ bồi thường khoảng 1,2 tỷ USD trong vòng 3 thập kỷ để tài trợ cho các dự án phát triển ở Namibia.
Tuy nhiên, nó chưa được ký kết vì bị một số hiệp hội người Herero và Nama phản đối. Họ yêu cầu tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán cũng như bồi thường.
Đến tháng 2, các báo cáo viên đã gửi thư bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” tới chính phủ Đức và Namibia. Trong thư, họ cho biết Berlin phải thừa nhận trách nhiệm của mình “với những tội ác đã gây ra trong thời kỳ cai trị thuộc địa”.
Với “quy mô thiệt hại” mà các nạn nhân và con cháu họ phải gánh chịu, các kế hoạch tái thiết và chương trình phát triển của Berlin không đủ bồi thường, các báo cáo viên cho biết, đồng thời chỉ trích việc giữ bí mật các cuộc đàm phán.
Những báo cáo viên này là các chuyên gia độc lập truy tìm tận gốc hành vi vi phạm luật quốc tế. Các chính phủ không bắt buộc phải hành động theo yêu cầu của báo cáo viên, song họ được coi là có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Karina Theuer, một chuyên gia về luật pháp quốc tế và là cố vấn cho các luật sư ở Namibia, cho rằng hai bên cần bắt đầu một quá trình đàm phán mới. “Điều này phải minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của pháp luật”, cô nói với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung.