Bão cấp 11 hướng thẳng vào Biển Đông, miền Trung mưa có nguy cơ lũ lụt
Theo dự báo, vài ngày tới, Biển Đông có thể đón cơn bão thứ 4 trong năm với cường độ rất mạnh., gây ra mưa lớn, hoàn lưu mưa nguy hiểm có nguy cơ cao gây ra lũ lụt.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế là Noru. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có thể tiến vào Biển Đông những ngày tới.
Bão Noru tiến sát Biển Đông
Cụ thể, khoản 7 giờ sáng 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 128,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 710km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh dần lên. Đến 7 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 123,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và đi vào biển Đông.
Đến 7h ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông: cấp 3.
Trong 72 - 120 giờ, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ suy yếu dần, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Hoàn lưu nguy hiểm, nguy cơ cao gây lũ lụt
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai nhận định, khi vào biển Đông, bão sẽ tiếp tục mạnh lên và đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến 18 giờ ngày 27/9, bão sẽ cách đất liền bờ biển Trung và Bắc Trung Bộ khoảng từ 200-250km về phía Đông.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 28/9, bão có khả năng đổ bộ đất liền.
Theo chuyên gia, vị trí đổ bộ được dự báo có thể vào khu vực Huế, Đà Nẵng và đi chếch sang Quảng Trị.
Vùng ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh là từ Quảng Nam tới Quảng Bình. Sức gió khi bão đổ bộ 100-120km/h, tương đương bão mạnh cấp 11-12, giật trên cấp 13. Tương đương bão CAT2 thang đo quốc tế.
Vùng mưa lớn khi bão đổ bộ trực tiếp là Quảng Ngãi tới Quảng Bình. Các khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng bị ảnh hưởng của mưa lớn khi bão đổ bộ.
Chuyên gia Ngọc Huy bày tỏ sự lo lắng về vùng mưa hoàn lưu rất nguy hiểm, là từ Thừa Thiên - Huế tới Nghệ An. Trong đó mưa hoàn lưu tập trung từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Nguy cơ lũ lụt rất cao vì mưa hoàn lưu từ chiều 27 đến hết ngày 29/9.
Đặc biệt lưu ý, ông cho biết, tàu thuyền trên biển từ vĩ tuyến 15 lên phía Bắc nên di chuyển vào bờ và đi theo hướng Nam. Dự kiến bà con ngư dân phải nghỉ đi biển khá dài vì sau bão số 4 sẽ có bão số 5 hình thành luôn trong ngày 30/9 trên biển Đông.
Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo người dân đề phòng đợt mưa lớn diễn ra các ngày 24-25/9 tại khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Lượng mưa được dự báo lên đến 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm.
Người dân đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh này.
Đáng lưu ý, sau đợt mưa này, miền Trung nhiều khả năng đón thêm đợt mưa mới vào ngày 27-29/9.
Mưa trên diện rộng
Dự báo các khu vực ngày và đêm 24/9, phía Tây Bắc Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to; riêng khu vực đồng bằng, ven biển nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, vùng núi có nơi dưới 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ vùng núi, trung du 30-33 độ C; đồng bằng, ven biển 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có mưa rất to. Phía Nam có mây, chiều và tối có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Phía Bắc gió nhẹ, phía Nam gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ phía Bắc 29-31 độ C. phía Nam 31-33 độ C.
Khu vực Tây Nguyên chiều và đêm có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Nam Bộ có mưa rào, dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29-32 độ C
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết, chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Cùng với đó, điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam
Cần chú ý, khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km, khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.
Nguồn: Tổng hợp