Báo chí Ấn Độ đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15- 19/12 được dư luận sở tại quan tâm đặc biệt trong tuần qua và coi đây là dấu mốc mới trong quan hệ song phương Việt - Ấn.
Báo chí Ấn Độ trong tuần qua dành sự quan tâm lớn cho chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện nước này. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022 và 5 năm nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện trong năm nay.
Trên tờ Times of India, ký giả Rudroneel Ghosh cho biết, hai nước đang hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa Kế hoạch Hành động 2021 - 2023 với mục tiêu củng cố quan hệ song phương, mang lại những lợi ích cụ thể, thực chất cho Chính phủ và người dân hai nước. Chuyến thăm đặt trong bối cảnh thương mại song phương tăng trưởng ở mức 20% mỗi năm, lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua và có thể vượt mốc 12 tỷ USD trong năm nay. Thêm vào đó, Việt Nam đang kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và năng lượng tái tạo.
Cũng trên tờ Times of India, tác giả SD Pradhan khẳng định: Việt Nam là đối tác gần gũi nhất của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ Ấn Việt đã đạt tới một tầm vóc mới với những lợi ích về chiến lược, chính trị, an ninh và kinh tế chung. Cả hai nước đều mong muốn hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực và tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương. Hai nước đều duy trì mối quan hệ tốt với các cường quốc thế giới và cùng phối hợp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách thành viên không thường trực. Ấn Độ và Việt Nam đều hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và thế giới.
Bài báo viết: “Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều khả năng sẽ mở ra một loạt các cuộc đối thoại và thảo luận nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mở rộng và tiếp nối hợp tác giữa cơ quan lập pháp của hai nước cũng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ. Hai nước cùng là thành viên của các diễn đàn nghị viện đa phương”.
Trong những ngày qua, các hãng thông tấn, đài phát thanh truyền hình của Ấn Độ cũng liên tục theo sát, cập nhật các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại New Delhi.
Hãng tin ANI dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại New Delhi cho rằng: Mối quan hệ giữa hai nước dựa trên các giá trị về lòng yêu nước và sự nhân ái của người Việt và triết lý bình đẳng, hòa bình và nhân văn của người Ấn Độ, bắt nguồn từ Phật giáo và Ấn Độ giáo. Mối quan hệ này bắt nguồn từ lịch sử 2.000 năm về trước. “Nguồn gốc tương đồng sâu xa này cùng tư duy soi sáng về chính trị và ngoại giao của các nhà lãnh đạo hai bên đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương” Bài báo viết. Hãng tin ANI cũng trích phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong đó, lãnh đạo Hạ viện Ấn Độ nhấn mạnh mong muốn củng cố hơn nữa ngoại giao Nghị viện Ấn - Việt. Chính vì thế, Quốc hội Ấn Độ đang hình thành nhóm nghị sỹ Hữu nghị Ấn – Việt để những đại diện của Quốc hội Ấn Độ giúp tạo lập chiều sâu mới trong quan hệ giữa hai Quốc hội.
Ngoài ra, báo chí Ấn Độ cũng trích phát biểu của Ngoại trưởng S. Jaishankar tại Hội thảo kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, khẳng định trong tầm nhìn của mình, Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ cả trong ASEAN lẫn khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Trong dịp này, giới học giả Ấn Độ cũng có nhiều bài viết, phân tích các khía cạnh của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt- Ấn. Trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược, Giáo sư Pankaj Jha, chuyên gia nghiên cứu khu vực Đông Á cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ trong quan điểm của Việt Nam. Nó được thể hiện thông qua quan hệ hữu nghị giữa hai bên. Có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, tăng cường kết nối văn hóa, du lịch, hợp tác để cùng chuyển đổi trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Bài viết cho rằng, chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ mở ra kỷ nguyên hợp tác vì sự phát triển và lợi ích của nhân dân hai nước cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực và trên thế giới./.