Báo chí cách mạng đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chất vấn.
Lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai
Nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; (3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khái quát về một số kết quả đạt được liên quan đến ba nhóm vấn đề lớn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thứ nhất, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí và “thành hay bại” là ở đây. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.
Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như Facebook, Youtube và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các loại hình quảng cáo có nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật, tập trung đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Thứ ba, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai, hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số thành hạ tầng của nền kinh tế. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng vật lý số để biến thế giới vật lý thành thế giới số.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược giống như hạ tầng giao thông và điện phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia bền vững, xanh, thông minh mở và an toàn. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Chúng tôi luôn coi những tồn tại, hạn chế này là động lực để thúc đẩy phát triển ngành. Các vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra ngày hôm nay, dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi nhìn thấy rõ hơn và toàn cảnh hơn về ngành mình, nhìn thấy rõ hơn những vấn đề của mình, những hạn chế, tồn tại và trách nhiệm của mình cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề quan trọng nhất
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật; hay do cạnh tranh với các nguồn thông tin trên không gian mạng nên nguồn thu của báo chí bị sụt giảm đáng kể, tạo áp lực lớn đến kinh tế báo chí… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vấn đề đạo đức phóng viên đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. Trong đó, có nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế báo chí.
“80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì hiện nay rơi vào tay mạng xã hội. Có nghĩa là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm một cách đáng kể”, Bộ trưởng cho biết.
Thủ tướng Chính phủ năm 2023 đã ban hành chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ.
“Về mặt nội dung thì không nhưng về mặt công nghệ thì kém các mạng xã hội. Hiện đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề báo chí. bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí.