Báo chí cách mạng và bản lĩnh hội nhập
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là tiếng nói, diễn đàn của nhân dân, báo chí Việt Nam luôn bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước để thông tin kịp thời, chính xác các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách pháp luật của Quốc hội, của Chính phủ tới người dân, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp thu điều chỉnh lại nhiều chủ trương, quyết sách có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân.
Báo chí cũng tích cực biểu dương nhân tố mới; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.
Bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thì cần phải nhìn nhận một cách khách quan là đã có những lúc chúng ta bỏ trống, lúng túng trong “cuộc chiến thông tin” và đã để dư luận và người dân bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc. Đặc biệt là trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thanh trừng nội bộ”, là “cuộc đấu đá phe phái, triệt hạ lẫn nhau”…
Để thấy rõ điều này, xin dẫn ra đây một vài vụ việc khi Đảng, Nhà nước xử lý một số lãnh đạo cao cấp vi phạm pháp luật nghiêm trọng qua việc Mobiphone mua 95% cổ phần AVG, việc truy tố một số lãnh đạo ở hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, các vụ việc liên quan đến các dự án BT, BOT và mới đây là vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018...
Nhưng việc xử lý, giải quyết quá lâu, dây dưa từ năm này qua năm khác mà không có kết quả, khi báo chí và người dân chất vấn thì cơ quan có chức năng xử lý, cũng như những người có trách nhiệm đã giải thích quanh co, tìm cách lảng tránh để sự việc rơi vào “im lặng”.
Cách xử lý “không có hồi kết” kiểu này đã mở ra những "bữa tiệc" cho các “anh hùng bàn phím”, các báo mạng, báo lề trái nhân danh giám sát, phản biện xã hội đưa ra những phân tích, đánh giá có sự bao che, nương nhẹ, đặt ra những vấn đề đi ngược lại chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân. Mặc dù những điều đó là không chính xác, không đúng bản chất của sự việc, nhưng vẫn được đông đảo người dân tìm đọc.
Việc tự tạo khoảng trống về thông tin, tuyên truyền này là lỗi rất lớn từ sự thiếu tin tưởng, thiếu phối hợp trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với báo chí, truyền thông để định hướng, trấn an dư luận; tạo điều kiện cho sự phản tuyên truyền của các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, phản động tự do tung hoành lèo lái thông tin. Các đối tượng này đã triệt để sử dụng mạng xã hội để chủ động thông tin sai sự thật, đưa lên những tin tức, hình ảnh, nhận định không đúng về vụ việc nói riêng, về xã hội Việt nam hiện nay nói chung.
Các cơ quan chức năng có liên quan cần phải nhận diện kịp thời, chính xác và đầy đủ những thông tin trái chiều này. Đối với những vấn đề nhạy cảm, những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, trước tiên là các cơ quan chủ quản, những người có trách nhiệm trong việc xử lý phải rất nhanh nhạy, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí để giải tỏa những băn khoăn, giúp người dân thấy rõ, hiểu đúng bản chất của sự việc đó là gì, đang xử lý đến đâu và nếu đã có kết quả rồi thì cũng phải thông báo kịp thời các kết quả xử lý đó cho các cơ quan báo chí, truyền thông cả trong và ngoài nước; phải tính đến cả việc đưa những thông tin đúng đắn đó lên các nguồn phi chính thống như các trang mạng xã hội.
Chấm dứt cảnh người này chờ người kia, cấp này chờ cấp nọ dẫn đến việc né tránh cung cấp thông tin vụ việc. Áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi cản trở, bưng bít thông tin. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần đi trước một bước, chủ động tiếp cận, khai thác thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng sử dụng công nghệ mạng, truyền thông mạng để kịp thời công bố tin, bài viết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái có tầm lý luận, mang ý nghĩa thực tiễn, có tính thuyết phục, góp phần củng cố và bảo vệ đời sống tinh thần của xã hội.
Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương cũng cần có những đổi thay cho phù hợp, thích nghi với yêu cầu, đòi hỏi và cần phối hợp tốt với báo chí, truyền thông, không tạo ra những khoảng trống trong thông tin, tuyên truyền để các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá; từ đó góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc, sự thịnh vượng của đất nước.