Báo chí cần tiếp tục khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam phồn vinh thịnh vượng
Sáng nay (13/4), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự Hội nghị có ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và gần 700 đại biểu, khách mời.
Hội Nhà báo Việt Nam hiện có hơn 23.700 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc. Năm 2022, hoạt động Hội có nhiều chuyến biến tích cực, đi vào chiều sâu, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của người làm báo.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Báo chí làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - thông tin - truyền thông, đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh của Việt Nam “an toàn, ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển”. Phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, bám sát xu thế toàn cầu tuyên truyền về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin sự kiện, có nhiều bài báo mang tính phát hiện, lan tỏa các gương điển hình, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp thiết thực. Các tác phẩm báo chí có nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa đạng, tích cực phản ánh xây dựng, chỉnh đốn đảng, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ nhiều cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đất đai là minh chứng rất rõ tính hiệu quả của các cơ quan truyền thông về xây dựng chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới, tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vượt qua thách thức, khó khăn. Các cấp Hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn, phản ánh sâu sắc, toàn diện cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, nêu cao tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc chạm đến cảm xúc của công chúng. Các cơ quan báo chí tiếp tục xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia về kinh tế, ngoại giao, nghệ thuật, công nghệ...
Chính phủ có trách nhiệm đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành cần gắn bó hơn với các cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
“Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phân phối nội dung, nghiên cứu cập nhật các xu hướng phát triển, thị hiếu của từng nhóm đối tượng. Dựa vào đọc giả để lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy, báo chí chính thống mới tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức mạnh, đóng vai trò là dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó, đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao mức sống cho người lao động trong hoạt động báo chí ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội Nhà báo các cấp như: chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, kinh tế báo chí, mô hình hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo địa phương, chuẩn mực đạo đức và tính chuyên nghiệp của Hội Nhà báo./.