Báo chí CH Séc kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/4.
Báo chí và giới chức Séc đều đánh giá cao chuyến công du của Thủ tướng Fiala, đồng thời kỳ vọng vào những kết quả thực chất, đặc biệt về khả năng tăng cường hợp tác kinh doanh và cơ hội cho các doanh nghiệp của Séc.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, tờ "Thông tin doanh nghiệp" của Séc dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Vladimir Dlouhy cho biết, tháp tùng Thủ tướng Fiala trong chuyến công du lần này, có 30 đại diện các tập đoàn và công ty lớn của Séc, gồm các công ty kỹ thuật, nhà sản xuất công nghệ máy bay, công ty vũ khí và nhà phát triển phần mềm.
Ông Dlouhy đánh giá, tất cả các quốc gia châu Á mà Thủ tướng Fiala đến thăm trong chuyến công du châu Á lần này, bao gồm Việt Nam, đều có tiềm năng to lớn và mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Séc. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Séc, trong ngày 21/4, các đại diện doanh nghiệp Séc sẽ có cuộc gặp với các công ty Việt Nam tại Hà Nội, sau đó là bữa trưa làm việc giữa Thủ tướng Fiala với các công ty thuộc ngành công nghiệp quốc phòng và đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam.
Riêng Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Dlouhy dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp song phương với lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước còn có cuộc làm việc tại tỉnh Quảng Ninh trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Fiala. Đây cũng là địa phương mà hãng sản xuất ô tô nổi tiếng của Séc Skoda Auto đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp. Dự kiến, Thủ tướng Fiala sẽ dự lễ khởi công nhà máy trong ngày 22/4.
Trong khi đó, hãng thông tấn CTK của Séc đánh giá Việt Nam mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Séc trong ngành công nghiệp ô tô và một số lĩnh vực quan trọng khác. CTK dẫn lời Thủ tướng Fiala mô tả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tầm quan trọng lớn về kinh tế, bởi đây là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Ông Fiala cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Séc cần tham gia hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Séc trong khu vực.
Còn chuyên trang Vietnamskelisty.cz (do Liên minh châu Âu bảo trợ) đánh giá Việt Nam là đất nước hấp dẫn với doanh nhân Séc với nhiều cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Theo chuyên trang này, Việt Nam có nền kinh tế năng động, thị trường đang phát triển và một môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Lực lượng lao động lớn và chi phí sản xuất thấp khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất Séc vốn đang tìm kiếm hiệu quả về chi phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước sản xuất dệt may lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp Séc có thể tận dụng lợi thế về lao động giá rẻ và nguyên liệu chất lượng tốt với ngành dệt may có truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Phía Séc cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển đầy tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam trên nền tảng một nền nông nghiệp phong phú. Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng to lớn và ngày càng thu hút nhiều du khách, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Séc kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn và lữ hành.
Trong bài viết trên "Tạp chí Nghị viện" của Séc, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Séc - Việt, ông Marcel Winter đánh giá Việt Nam là đất nước xinh đẹp, yên bình và an toàn, là cửa ngõ vào châu Á đối với các doanh nhân Séc. Do đó, các doanh nghiệp Séc có cơ hội lớn tại Việt Nam và cần phải thúc đẩy quảng bá, tiếp thị tại thị trường 100 triệu dân này.