Báo chí có đặc quyền về tiếp cận nguồn tin và có trách nhiệm với nguồn tin
Việc đề xuất hạn chế ghi âm, ghi hình theo dự thảo luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) và nhiều phiên tòa diễn ra gần đây không chỉ trái với các luật hiện hành mà còn làm ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của bạn đọc, người xem.
Không chỉ khó khăn khi tác nghiệp mà còn có thể gặp “rủi ro”
Thực tế trong thời gian gần đây nhiều phiên tòa xét xử công khai, phóng viên đến tác nghiệp bị làm khó hoặc cấm mang máy tính, ghi âm, ghi hình vào phòng báo chí. Là người đi dự và đưa tin khá nhiều phiên tòa, nhà báo Vũ Liễu (Báo điện tử VTC News) cho biết, việc cấm nhà báo ghi âm, ghi hình, chỉ ghi chép bằng giấy bút được không ít phiên tòa áp dụng, nhất là các đại án được dư luận quan tâm.
Theo nhà báo Vũ Liễu, việc nhà báo không được ghi âm, ghi hình không chỉ khó khăn khi tác nghiệp mà còn có thể gặp “rủi ro” nếu không có tư liệu, tài liệu ghi lại trong phiên tòa. Nếu người có nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa có ý kiến hoặc kiện nội dung thông tin thì nhà báo cũng không có gì để chứng minh.
Nhà báo Vũ Liễu phân tích: Khi tòa xét xử, có đoạn lời khai quan trọng của bị cáo nhưng báo chí chép tay không kịp, khi rời khỏi phòng tác nghiệp, các phóng viên hỏi nhau, thấy không khớp nên không ai dám đưa vào bài. Từ đó cũng làm hạn chế việc tiếp nhận thông tin, diễn biến phiên xét xử của độc giả.
Thực tế cho thấy nhiều phiên tòa được xét xử thu qua hệ thống âm thanh không rõ ràng, camera bị mờ. Các phóng viên không thể nghe thấy chủ tọa, bị cáo và các bên liên quan nói gì. Khi tác nghiệp tại tòa, nếu chép tay, phóng viên chỉ có thể gạch ý để kịp viết đuổi theo lời khai, dẫn đến khi viết bài, phóng viên không thể đảm bảo thông tin mình vừa tiếp nhận là chính xác. Việc chỉ được ghi chép bằng tay tại phiên tòa hoàn toàn đi ngược với xu thế ở thời đại công nghệ hiện nay.
Đối với thể loại truyền hình, báo ảnh cũng gặp nhiều bất lợi, phóng viên không thể vào tiếp cận để lấy hình ảnh phía bên trong phiên tòa đang diễn ra, dù chỉ ít phút. Trong khi đó đối với những thể loại này hình ảnh là điều cần thiết hơn cả. Những hình ảnh thực tế, trực quan tại phiên tòa sẽ truyền tải thông tin chính xác đến người dân.
Xung quanh vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, những thông tin hình ảnh và báo chí truyền tải từ phiên tòa cũng là một hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Những vụ án lớn diễn ra trong thời gian qua được báo chí đưa tin thường xuyên, liên tục và chi tiết diễn biến phiên tòa là tư liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu tuyên truyền về pháp luật cũng như nâng cao trình độ nhận thức hiểu biết của Nhân dân về hoạt động tố tụng ở Việt Nam.
“Nếu quy định hạn chế việc ghi hình, ghi âm tại phiên tòa, trao tất cả quyền quyết định có được ghi âm ghi hình hay không cho chủ tọa phiên tòa mà không quy định về căn cứ, về lý do và trách nhiệm pháp lý thì rõ ràng quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp đã quy định sẽ không được đảm bảo. Đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động xét xử của tòa án, góp phần mang lại lợi ích cho xã hội” - luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.
Đảm bảo quyền tư pháp kịp thời, công bằng, vô tư, khách quan
Luôn bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên nhà báo, vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các nội dung nêu tại Khoản 3, 4, 5 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy cần đảm bảo cho phóng viên các cơ quan báo chí được tiếp cận (ghi âm, ghi hình) diễn biến phiên tòa từ lúc khai mạc cho đến khi kết thúc phiên tòa. Đồng thời, khi phóng viên tác nghiệp cần đảm bảo các quyền nhân thân của những người dự phiên tòa, thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan. Được biết, đây không phải lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất cần bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo khi xây dựng các Luật, pháp lệnh liên quan đến hoạt động báo chí, người làm báo.
Cũng liên quan đến nội dung quy định về hoạt động của báo chí tại phiên tòa trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản góp ý về vấn đề này.
Theo Bộ TT-TT, tại điểm d Khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí quy định: “được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, tại Điều 5 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND là: “thực thi quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan”.
Do đó, Bộ TT-TT đã có văn bản đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc, xem xét có quy định riêng về hoạt động báo chí tại phiên tòa. Trong đó, đảm bảo nguyên tắc nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa xét xử công khai được tiếp cận diễn biến phiên tòa, ghi âm, ghi hình chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, nội quy phiên tòa; đảm bảo quy định về bí mật đời tư cá nhân; tính độc lập, khách quan của tòa án, nguyên tắc suy đoán vô tội và các quy định pháp luật khác.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về nội dung này, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết: “Báo chí là lĩnh vực hoạt động rất đặc thù, ngoài quy định chung trong hệ thống văn bản pháp luật, còn có quy định riêng tại Luật Báo chí. Theo đó, báo chí có đặc quyền về tiếp cận nguồn tin và có trách nhiệm với nguồn tin, thông tin của mình. Nếu dự thảo luật Tổ chức TAND quy định hạn chế ghi âm, ghi hình hoặc chỉ dự khai mạc sẽ làm ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí. Điều này cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn đọc, người xem”.
“Để đảm bảo quyền tư pháp kịp thời, công bằng, vô tư, khách quan, cơ quan soạn thảo nên tính đến quy định cụ thể cho báo chí vừa đúng quy định của luật Tổ chức TAND vừa đảm bảo quy định của Luật Báo chí. Trong thực tiễn khi có yêu cầu cần thiết liên quan đến việc đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TT-TT và Ban Tuyên giáo luôn có sự phối hợp với các bộ, ngành để định hướng, cũng như cung cấp thông tin cho báo chí và có những yêu cầu về tác nghiệp để đảm bảo nội dung này” - bà Thảo cho biết thêm.