Báo chí định vị thương hiệu doanh nghiệp
Ngày nay, báo chí không chỉ được coi là người bạn đồng hành của doanh nghiệp, mà mối quan hệ giữa báo chí, doanh nghiệp và thương hiệu đã phát triển lên một tầm cao mới, đó là mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển.
Xây dựng thương hiệu để thành công
Định vị thương hiệu là quá trình xác định và phát triển các đặc điểm và giá trị độc đáo của một thương hiệu, để tạo ra một vị trí nhất định trong tâm trí khách hàng. Nó còn được hiểu là chiến lược xác định vị trí của thương hiệu trong thị trường và là cách thức để phân biệt thương hiệu với các đối thủ cạnh tranh khác. Thông qua thương hiệu, người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể dễ dàng phân biệt hàng hóa của doanh nghiệp (DN) này so với DN khác. Thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại thị trường của DN. Mỗi hàng hóa mang thương hiệu khác nhau sẽ đưa ra những thông điệp khác nhau, dựa trên những dấu hiệu nhất định, nhằm đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng và thu hút sự chú ý của những khách hàng khác nhau. Khi hàng hóa càng phong phú, đa dạng thì chức năng phân biệt thương hiệu càng trở nên quan trọng.
Doanh nghiệp Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển, do đó, để thành công thì trước tiên DN phải chú trọng công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình. Thương hiệu tạo ra nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà DN cung ứng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, định vị thương hiệu là câu chuyện sống còn của DN. Ngoài việc đầu tư, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu, thì DN phải dựa vào sự hỗ trợ của báo chí, truyền thông.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, DN và báo chí đã có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, báo chí có một vị trí rất quan trọng, góp phần cho sự phát triển của DN, thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với DN và người dân trong xã hội. Báo chí đã trở thành diễn đàn để DN bày tỏ quan điểm, chính kiến cũng như những kiến nghị của mình với các cơ quan có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, từ đó họ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng gặt hái nhiều thành công hơn.
Báo chí là kênh tuyên truyền đường lối chính sách, cơ chế của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc tuyên truyền và cụ thể hóa đường lối chính sách giúp DN nắm được, đồng thời là kênh truyền tải tiếng nói trực tiếp, giải đáp thắc mắc của DN về các cơ chế chính sách. Báo chí cũng phản hồi ý kiến của DN từng ngành nghề, lĩnh vực, từ đó thể hiện báo chí đã đi sát hơn thực tế của DN, phản hồi nguyện vọng của DN. Việc phản hồi đó giúp cơ quan quản lý có cái nhìn thực tế, tổng quan để có điều chỉnh cho phù hợp.
Báo chí có vai trò thúc đẩy quan trọng, tôn vinh, cổ vũ những DN có cách làm kinh doanh sáng tạo. Báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” đồng hành cùng DN và góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh. Nhờ có báo chí, truyền thông, vị trí của DN đã được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng nhiều người biết đến. Báo chí đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với DN, có ảnh hưởng, tác động thật sự trong cộng đồng DN.
Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp
Trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của DN ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được coi là thế mạnh của báo chí, bất cứ DN nào biết tận dụng lợi thế này sẽ đem lại những thành công to lớn.
Nhiều DN thành công trên thị trường đã biết tận dụng sức mạnh báo chí, trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp DN nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và DN vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội.
Hơn nữa, việc hợp tác cơ quan báo chí là nơi trực tiếp tuyên truyền xây dựng, phổ biến về việc xây dựng thương hiệu, định dạng thương hiệu, cổ vũ truyền bá thương hiệu đến người dân. Thông qua các bài báo viết về DN, báo chí góp phần tạo nên những luồng dư luận xã hội. Đứng trước một tin bài về một vấn đề nào đó của DN, công chúng sẽ có những đánh giá, nhận xét, có những phản ứng khác nhau.
Song song với đó, báo chí cũng góp phần định hướng, tiêu thụ hàng hóa nội địa. Thời gian vừa qua, chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đó là nhờ có công rất lớn của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến. Báo chí cũng giúp DN có cái nhìn tổng quan về thị trường, từ đó định hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường. Các cơ quan báo chí có được niềm tin của DN, người tiêu dùng là nơi chắp cánh thương hiệu của DN, giúp DN phát triển hơn, thúc đẩy sản xuất.
Ở chiều ngược lại, để báo chí có thể làm tốt nhiệm vụ định vị, chắp cánh thương hiệu, phía DN cần kiên định với đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với sản phẩm và khẳng định được thương hiệu và làm thương hiệu. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, quảng bá hình ảnh để mọi người biết đến mình, có sự phối hợp giữa DN, các tổ chức DN với chính quyền địa phương để có các hoạt động quảng bá sản phẩm. Quan trọng vẫn phải xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, bằng uy tín DN. Khi đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, DN mới có thể thúc đẩy vấn đề truyền thông. Đồng thời việc xây dựng phát triển thương hiệu phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Có thể nói, báo chí có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động kinh doanh và sự phát triển của DN. Mối quan hệ giữa báo chí và DN, DN và báo chí là mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển vì mục tiêu chung của đất nước. Vì vậy, DN cần có sự hỗ trợ thông tin từ báo chí, với những bài viết khách quan, phản ánh chính xác sự việc để khuếch trương thương hiệu của mình. Cũng như vậy, DN cần chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp, đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của DN.
Hiện nay công nghệ phát triển, xu hướng điện tử đã đưa các sản phẩm của DN đến với người dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đưa các sản phẩm ra nước ngoài còn nhiều khó khăn. Các DN cần đẩy mạnh truyền thông thương hiệu rộng lớn hơn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hiệp hội DN người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối giữa DN người tiêu dùng Việt Nam ở nước ngoài với DN trong nước, đồng thời gắt kết cộng đồng DN với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước. Ngoài ra, với yêu cầu, đòi hỏi cao của người tiêu dùng, DN cần phải làm khác, bắt kịp với xu thế.
Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/bao-chi-dinh-vi-thuong-hieu-doanh-nghiep-437086.html