Báo chí - doanh nghiệp đồng cam cộng khổ cùng vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, báo chí truyền thông là người bạn đồng hành, hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Đồng cam cộng khổ là cách mà báo chí và DN cần thực hiện lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, DN tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững năm 2023 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 5/6. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc TP Hà Nội; các Hội, Hiệp hội, các DN, chuyên gia, luật sư...
Diễn đàn vinh dự nhận được lẵng hoa chúc mừng của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Báo chí vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN cũng như các cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, báo chí và truyền thông đang là một phần của môi trường kinh doanh, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN cũng như vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Đặng Khắc Lợi cho rằng, thực tiễn đã chứng minh quan hệ giữa báo chí và DN luôn là mối quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu DN đến với người tiêu dùng. "Báo chí góp phần hỗ trợ DN làm ăn chân chính và phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. Đồng thời, DN vừa là nguồn thông tin, là đối tác, là khách hàng quan trọng của báo chí" - ông Đặng Khắc Lợi nhận định.
TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:
Báo chí thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch
Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển một cách minh bạch, bền vững. Tuy nhiên, để vai trò này đi đúng hướng, các cơ quan thông tấn cần khai thác, phản ánh thông tin một cách đa chiều, hỗ trợ tối đa việc truyền tải thông tin hữu ích, góp phần củng cố thị trường bất động sản. Thông tin cần được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm tính thời sự và kịp thời. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động các thành phần của thị trường tích cực hưởng ứng hoạt động theo đúng định hướng của Chính phủ, tuân thủ đúng điều luật.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Nguyễn Thị Hương:
Qua báo chí, sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhanh chóng
đến với khách hàng
Với ABBank, chúng tôi không chỉ tiếp cận thông tin từ báo chí mà còn sử dụng báo chí như một kênh vô cùng quan trọng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận với xã hội, hay khách hàng của mình. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, cũng nhờ báo chí mà ABBank tiếp cận nhanh nhất những thông tin chính thống về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ để kịp thời có những kế hoạch quan trọng trong hoạt động của ngân hàng, từ đó, giúp DN ngày một phát triển.
Tính đến 30/9/2022, cả nước có 867 cơ quan báo chí (trong đó 800 cơ quan báo in, tạp chí, báo điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, 19.232 nhà báo được cấp thẻ hoạt động)… với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng. Giữa báo chí và DN không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Từ thực tế hoạt động của DN, chia sẻ về vai trò của báo chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị
Hà Nội (Urenco) Đặng Hữu Bình cho biết, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước những thách thức to lớn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn ngày càng được quan tâm rộng rãi.
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ hoặc hành vi của con người và cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Với Urenco, ngoài việc truyền thông trên các phương tiện có sẵn, công ty cũng chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí. Nhờ đó, đã lan tỏa thông tin, tạo động lực và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Ở một khía cạnh khác, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chu Hải Công chia sẻ: thời gian qua, khi đọc một số tít bài báo nói theo ngôn ngữ dân dã là “giật tít, câu view”, bản thân ông cảm thấy hết sức tâm tư. Những bài viết đó có thể không sai nhưng cũng chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của DN.
Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ quan báo chí chính thống như Báo Kinh tế & Đô thị đã lắng nghe, phản biện, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để có cách thức truyền thông phù hợp, đúng bản chất vấn đề để hoạt động của các ngân hàng nói chung và MB nói riêng ngày một phát triển.
TS Vũ Hồng Trường – Chủ tịch HĐQT Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay: ngày 6/11/2021 là cột mốc ghi dấu tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước đi vào vận hành. Đến nay, tuyến đã được đông đảo người dân Thủ đô ghi nhận là phương tiện đi lại an toàn và thân thiện môi trường.
Để có được kết quả trên, theo ông Vũ Hồng Trường, không thể không nhắc tới vai trò của báo chí T.Ư và Hà Nội luôn đồng hành với Metro. Có thể nói, báo chí truyền thông đã chia sẻ những khó khăn ban đầu, tuyên truyền về những lợi ích của đường sắt đô thị, từ đó thay đổi nhận thức và thói quen của người dân đô thị.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh, báo chí là nơi tin cậy để giúp các DN phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Báo chí là diễn đàn quan trọng để các DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình.
Nhiều DN cũng chia sẻ rằng, trong bối cảnh hiện nay, khủng hoảng thông tin có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất kỳ DN nào. Những tin đồn ác ý giống như những quả bom công phá ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển của DN. Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí trong xử lý khủng hoảng là rất quan trọng, giúp định hướng dư luận, giải tỏa áp lực cho DN.
Tiếp tục gắn kết, đồng hành trong nhiều hoạt động
Lâu nay, mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và DN luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, nhất là sự tác động của xu thế chuyển đổi số và hội tụ truyền thông, khiến cái gọi là cộng sinh đang xuất hiện những khoảng tối trong mối quan hệ này. Trong bối cảnh truyền thông xã hội lên ngôi và thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí - DN cần phải có các chiến lược truyền thông hiệu quả để “cùng thắng” trong môi trường truyền thông hiện nay.
Nhấn mạnh thêm vai trò của báo chí truyền thông đối với sự phát triển của DN, doanh nhân nói chung, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh mong muốn tăng tính kết nối, lan tỏa giá trị tích cực trong quan hệ báo chí – DN. “Chúng tôi mong muốn báo chí sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành với cộng đồng DN phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Cùng với đó, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hỗ trợ DN gây dựng uy tín, tiến tới hội nhập toàn cầu” – ông Mạc Quốc Anh nói.
Trong bối cảnh này DN còn gặp nhiều khó khăn, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của DN, doanh nhân, là người bạn đồng hành, hỗ trợ, động viên kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và sẵn sàng đứng bên DN chia sẻ khó khăn. Có thể nói “đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và DN cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, báo chí có những bước phát triển mới, linh hoạt hơn, hiện đại hơn. Đó là sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, sản phẩm; đề xuất giải pháp hợp lý giúp họ xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận chủ lực của TP Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng: trong bất kỳ giai đoạn nào, nhà báo và DN đều cần đến nhau. Thực tế đã chứng minh, muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí và DN, rất cần sự phối hợp giữa ba bên: báo chí - DN - cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp trước tiên cho người làm báo. Mặt khác, các phóng viên phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin rõ ràng, khách quan, đa chiều, không mập mờ, gây hoang mang.
Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là báo chí và DN cần đồng hành cùng phát triển, bởi thông tin của của báo chí là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội.
Trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của DN và qua đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. “Quan hệ giữa báo chí và DN còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm; phát triển sản xuất, kinh doanh của DN” – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác truyền thông giữa Báo Kinh tế & Đô thị với các cơ quan, DN. Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi khẳng định: diễn đàn khép lại nhưng lại mở ra một mối quan hệ mới, gắn bó, đồng hành cao hơn, sâu sắc hơn giữa cơ quan báo chí nói chung, Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng với cộng đồng DN.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-doanh-nghiep-dong-cam-cong-kho-cung-vuot-kho.html