Báo chí - Doanh nghiệp - người làm chính sách: mối quan hệ không thể tách rời

Tại Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững do Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức, các chuyên gia khẳng định, báo chí, DN và các nhà hoạch định chính sách có những hành động thiết thực, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn.

Ban Tổ chức Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững tri ân các Doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng

Ban Tổ chức Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững tri ân các Doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng

Báo chí đi trước mở đường

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu, hơn 40 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực hoạch định chính sách, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng.

Còn theo TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số IDS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, báo chí, cộng đồng DN và người làm chính sách có mối quan hệ mật thiết với nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Tuy mỗi lĩnh vực, tổ chức hay con người làm việc ở những môi trường khác nhau nhưng lại liên quan đến nhau, bổ trợ cho nhau để hướng tới cùng một mục đích là phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.

TS. Trần Văn khẳng định, báo chí là kênh thông tin chính thống đáng tin cậy, luôn định hướng đúng và có ích cho DN, đưa những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới từng DN. Nhiều DN cho rằng, họ có được những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực có sự góp phần từ những thông tin hữu ích, mang tính dự báo có độ chính xác cao đó. Nhiều DN thông qua kênh báo chí để thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng…

Quan hệ báo chí – Doanh nghiệp – người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hóa hoạt động truyền thông. Trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước không thể thiếu được mối quan hệ biện chứng giữa báo chí – Doanh nghiệp – người làm chính sách hay thực thi chính sách”- TS Trần Văn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng thừa nhận, đối với cộng đồng DN, báo chí luôn đồng hành để có chung tiếng nói, là cầu nối giữa Nhà nước với DN, vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối; vừa có những phản biện xã hội mang tính kịp thời, trao đổi theo hướng 2 chiều để Nhà nước kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc, từ đó có những sự điều chỉnh phù hợp với thực tế. “Khi xã hội đòi hỏi sự công bằng hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế, thì hệ thống chính sách – pháp luật của Nhà nước cần phải được thay đổi, hoàn chỉnh tốt hơn. Để làm được điều này rất cần vai trò của báo chí để truyền tải tiếng nói của người dân, cộng đồng DN đến với Nhà nước”- ông Nguyễn Thế Điệp nói thêm.

Trong nền kinh tế thị trường, báo chí là công cụ tiềm năng trong việc xây dựng hình ảnh tích cực của DN trong cộng đồng, cũng như xây dựng mối quan hệ giữa DN với thị trường, khách hàng. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ, nhiều DN đã biết tận dụng sức mạnh báo chí trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình.

“Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp DN nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và DN vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội”- PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Cung cấp thông tin nhiều hơn để báo chí có thể truyền tải những khó khăn

Theo TS. Trần Văn, cộng đồng DN luôn mong muốn được gần gũi với báo chí, cung cấp thông tin nhiều hơn để báo chí có thể truyền tải những khó khăn, vướng mắt, những đề xuất, kiến nghị về chính sách pháp luật tới các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ nhiều và hiệu quả hơn cho DN. Báo chí cũng cần giúp DN cập nhật chi tiết, đầy đủ hơn những chính sách pháp luật mới để thực hiện.

“Tôi luôn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần cởi mở hơn với báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin hữu ích hai chiều để vừa tiếp nhận thông tin từ DN trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là trong phân tích đánh giá tác động của dự án luật, vừa là kênh truyền tải đến DN những cơ chế, chính sách, pháp luật mới ban hành”, TS. Trần Văn cho hay và tin tưởng rằng, báo chí, DN và các nhà hoạch định chính sách có những hành động thiết thực, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn” - ông Trần Văn nêu.

Ông Nguyễn Thế Điệp nêu quan điểm, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nên người dân rất nhạy bén, nắm bắt thông tin nhanh nên chỉ cần báo chí có động thái nhỏ là Nhà nước, người dân và DN có thể biết được ngay. Từ đó, báo chí lại càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, xây dựng cách ứng xử phù hợp để tránh làm tác động xấu đến tâm lý xã hội.

Thạc sĩ Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh trí nhấn mạnh, báo chí cần đổi mới để hỗ trợ DN phát triển hơn. Theo đó, báo chí cần áp dụng các công nghệ mới như AI và học máy để nâng cao khả năng phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng. Đồng thời đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có chiều sâu. Báo chí cũng cần tạo điều kiện để DN và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý; xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và DN tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến…

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, thông tin chính thống từ báo về những mô hình hay, chủ trương chính sách… sẽ giúp cho DN thực hiện một cách hiệu quả. Bản thân phía DN cũng cần chủ động tích cực hưởng ứng cam kết này để tạo sức cạnh tranh.

Ngoài ra, báo chí phải không ngừng xây dựng quy tắc chuẩn mực phóng viên, chuẩn mực đạo đức văn hóa nghề báo. Đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, không ngừng xây dựng lòng tin, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hoạt động phát triển DN, doanh nhân.

Nhật Nam (ghi)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-chi-doanh-nghiep-nguoi-lam-chinh-sach-moi-quan-he-khong-the-tach-roi-384952.html