Báo chí góp phần đấu tranh chống tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân
Báo chí có mặt và phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội một cách trung thực, khách quan.
Trong dòng chảy tin tức hằng ngày, việc đưa tin xử lý, kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo (kể cả cao cấp) thời gian vừa qua là một nội dung không hề vui nhưng báo chí vẫn luôn tiếp cận và truyền tải kịp thời, chính xác góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Điều này được ông Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với PV Người Đưa Tin nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo chí phải thực sự là tấm gương
NĐT: Thưa ông, báo chí đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước ở nhiều mặt của đời sống xã hội. Ông nhìn nhận các mặt này như thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: Báo chí có mặt và phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội một cách trung thực, khách quan. Đặc biệt, trong công tác cán bộ và đấu tranh với các luận điệu bôi nhọ lịch sử, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tạo ra sự thống nhất trong nhận thức về tư tưởng của dân tộc; đấu tranh với những tệ nạn, báo chí góp phần ngăn chặn các tồn tại để đảm bảo cho văn hóa xã hội phát triển lành mạnh. Báo chí cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của đất nước, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục, góp phần bảo đảm các điều kiện cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Như vậy, có thể nói báo chí không chỉ phản ánh khách quan, trung thực, kịp thời các sự kiện trong đời sống thực tiễn mà còn là một trong những nhân tố kiến tạo cho sự phát triển.
NĐT: Vậy, theo ông đâu sẽ là yếu tố tiên quyết để báo chí thực hiện đúng sứ mệnh của mình?
Ông Bùi Đức Thụ: Từ thực tiễn kể trên, để cho vị trí, vai trò của báo chí ngày càng tốt hơn, tôi cho rằng báo chí phải thực sự là tấm gương phản ánh tồn tại của cuộc sống, truyền tải thông tin đến các tổ chức cá nhân, mọi người dân trong xã hội…Như tôi đề cập, báo chí cũng là diễn đàn đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, thế lực thù địch phản động, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước. Báo chí thực sự là công cụ tập hợp quần chúng, kiến tạo cho sự phát triển và khơi dậy các tiềm năng của đất nước, tôn vinh nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam.
Để làm được điều đó, đối với nhà báo, phóng viên phải có tâm, có tầm, bút sắc, lòng trong, là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Có như vậy, nền báo chí Cách mạng Việt Nam mới ổn định, phát triển, đóng góp ngày càng mạnh mẽ hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
NĐT: Thời gian qua, việc đưa tin xử lý, kỷ luật cán bộ là nội dung không vui nhưng báo chí vẫn luôn tiếp cận thông tin nhanh, đầy, đủ, chính xác, truyền tải công khai, minh bạch, nhanh chóng đến bạn đọc. Ông đánh giá thế nào về tính tôn trọng sự thật của báo chí?
Ông Bùi Đức Thụ: Báo chí Cách mạng chính là cơ quan thông tin ngôn luận của Đảng, Nhà nước, phải phản ánh trung thực đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Nếu phản ánh sai lạc, không đúng tình hình thực tiễn sẽ không đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đối với nền báo chí Cách mạng. Nhưng mặt khác, báo chí bên cạnh sự trung thực còn cần kịp thời. Nếu không sẽ không đảm bảo thu hút sự quan tâm của người dân cũng như các cơ quan, tổ chức trong xã hội. Do đó, trung thực, khách quan, nhanh nhạy, kịp thời là một trong số những đòi hỏi cấp thiết của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, công tác tổ chức cán bộ ở nước ta về mặt đấu tranh phòng chống tham nhũng đã làm rất tốt khi phát hiện ra những vụ án, nhân sự, cán bộ các cấp vi phạm nguyên tắc quản lý, vi phạm những vấn đề đảng viên không được làm thậm chí là vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước đã xem xét xử lý một cách công minh, kịp thời, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý các vấn đề tồn tại đó, báo chí đóng góp vai trò hết sức quan trọng, đưa tin trung thực, đúng bản chất thực tiễn góp phần đấu tranh chống lại các luận điều xuyên tạc đối với công tác cán bộ nói riêng, đối với công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển đất nước nói chung.
Việc đưa tin xử lý cán bộ rất rõ ràng, không né tránh, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với báo chí, củng cố niềm tin của người dân, cán bộ đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng. Quan trọng hơn hết là nhu cầu thông tin của người dân, họ có quyền biết những gì đang xảy ra đối với đất nước mình, đối với chế độ, hệ thống chính trị của mình.
Tôn trọng sự thật khi đưa tin về xử lý cán bộ vi phạm
NĐT: Trên thực tế, khi có vấn đề, báo chí truyền tải đến người dân thông tin trung thực, nhưng cần có xác minh hai chiều, phải liên hệ cơ quan chức năng. Ông nhìn nhận thế nào về luận điệu xuyên tạc cho rằng “báo chí ém thông tin” trong những trường hợp này?
Ông Bùi Đức Thụ: Có ý kiến đưa ra cho rằng có lúc chúng ta đưa tin không kịp thời. Nhưng không phải thế. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong quá trình điều tra xử lý vụ việc phải có nguyên tắc bảo mật thông tin chưa có kết quả. Quy định đó của pháp luật là đúng để đảm bảo xem xét kỹ lưỡng khách quan trung thực đối với các vụ việc, nhất là liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, liên quan đến số phận chính trị của một con người.
Nếu đưa ra một thông tin chưa được xác minh, chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hay các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xem xét, thẩm định thì vô hình trung lại trở thành đưa tin không trung thực, không đúng với thực tế. Đưa tin như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín đối với từng người bị đưa tin hay kể cả đối với cán bộ, tổ chức nơi người đó công tác, mà còn có nguy cơ làm mất uy tín của cơ quan tổ chức, mát niềm tin của nhân dân.
Bản thân cơ quan báo chí đưa tin không đúng cũng sẽ bị ảnh hưởng uy tín. Do đó, đưa tin kịp thời vừa là đòi hỏi nhưng cũng là thách thức, vừa nhanh nhưng cũng phải khách quan trung thực đúng sự thật. Điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta đưa tin chậm trễ.
Thêm nữa, báo chí không phải cơ quan chuyên môn làm thay cho các cơ quan Nhà nước để phán xét những sự việc trong xã hội. Do vậy, trong những thông tin báo chí phát hiện nhưng cũng phải phỏng vấn, đề nghị các cơ quan Nhà nước hay cơ quan có thẩm quyền phát biểu, đánh giá, củng cố dữ liệu thông tin. Tôi cho đó là rất cần thiết. Bởi báo chí không phải cái đuôi, không phải cái loa mà cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, kể cả dư luận xã hội, để đánh giá vấn đề toàn diện nhiều chiều, cung cấp thông tin có giá trị, có chất lượng.
NĐT: Liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực “không có vùng cấm” đã đạt nhiều kết quả. Nhưng kết quả đó cũng có phần đau xót khi chúng ta mất nhiều cán bộ. Là người từng từng lãnh đạo trong một cơ quan liên quan đến công tác tổ chức cán bộ của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, ông thấy giải pháp căn cốt nào để những thông tin buồn đó được giảm thiểu?
Ông Bùi Đức Thụ: Đúng như PV đề cập, mất cán bộ là điều hết sức đau xót với Đảng, Nhà nước, với mỗi người dân Việt Nam yêu nước, có trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Làm thế nào để những đau xót đó không xảy ra, chúng ta không mất cán bộ, không phải hình sự hóa đối với những người đã được bầu vào chức vụ quan trọng là điều tôi cũng luôn trăn trở.
“Báo chí cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của đất nước, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục, góp phần bảo đảm các điều kiện cho đất nước phát triển nhanh, bền vững”, ông Bùi Đức Thụ khẳng định.
Cần phải nhìn thẳng vào thực tế, khi ở đâu đó vẫn còn sự đánh giá chưa đúng thực tiễn nên chúng ta đưa vào những cương vị lãnh đạo người cán bộ chưa thực sự tương xứng theo quy định, đến khi các vụ việc vỡ lở thì buộc phải xử lý.
Điều đó cho thấy một điểm nổi lên là công tác cán bộ. Để sử dụng cán bộ đúng thì yêu cầu số một là phải đánh giá đúng về cái tâm, cái tầm, năng lực đạo đức của người đó, trong đạo đức công vụ có sự tận tâm, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, công tâm vì sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc.
Tất nhiên, không phải cái gì vừa xảy ra cũng phát hiện được ngay. Để không phải xử lý cán bộ những khâu sau và ảnh hưởng uy tín của các cơ quan tổ chức có người bị xử lý hành chính, xử lý hình sự thì tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là quản lý tại chỗ và đánh giá kịp thời chính xác đối với từng cán bộ kể cả năng lực và phẩm chất đạo đức. ử lý đúng sẽ tạo thành động lực, niềm tin cho xã hội phát triển.
Việc này đòi hỏi sự đổi mới trong công tác quản lý, giám sát, sử dụng cán bộ tránh có những người tay đã “nhúng chàm” nhưng chúng ta không biết, vẫn sử dụng để sau này buộc phải xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và niềm tin của người dân.
Đối với mỗi vị trí cán bộ, quy trình thủ tục để đề bạt, bổ nhiệm, bầu vào các chức vụ đều được làm đúng và đầy đủ, tương đối bài bản theo từng khâu, từng bước thận trọng. Trong các bước đó, có việc lắng nghe ý kiến của người dân từ nơi cư trú cho đến nơi làm việc, có các cuộc họp lấy ý kiến, các hộp thư để nhận những thông tin phản hồi. Điều này thể hiện quy trình làm việc hết sức dân chủ.
Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu kiện toàn các khâu, các bước đánh giá thực chất hơn. Công tác cán bộ muốn làm tốt phải theo dõi thường xuyên, không phải đến lúc bầu cử hay đề bạt bổ nhiệm mới đánh giá. Phải kiểm soát được mọi hành động hành vi, hoạt động của cán bộ công chức trong bộ máy công quyền một cách thường xuyên, thẳng thắn, trung thực, khách quan, minh bạch. Có như vậy mới phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế để uốn nắn, giáo dục và xử lý kịp thời.
Cùng với đó là thực hiện dân chủ hóa trong mọi khâu của quy trình cán bộ, từ đánh giá nhận xét, thậm chí là đề xuất giới thiệu vào các chức vụ quan trọng. Dân chủ là yếu tố đảm bảo việc đánh giá, để bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn, trung thực.
Cần tăng cường chế độ trách nhiệm của người quản lý sử dụng cán bộ, giới thiệu nhân sự đó vào những cương vị cao hơn. Người lãnh đạo trước hết phải hiểu rõ người dưới quyền của mình. Nếu vì lý do nào đó mà người lãnh đạo đánh giá không trung thực, khách quan, cung cấp thông tin thiếu chính xác cho Đảng, Nhà nước thì sẽ rất khó để xử lý đúng đắn.
Nếu giới thiệu người không đúng, không đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức năng lực vào các cương vị thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng và cần được cơ chế hóa thành chủ trương chính sách và thậm chí thành pháp luật của Nhà nước trong quản lý cán bộ.
Người lãnh đạo quản lý cán bộ mà không nắm được cán bộ, không hiểu được cán bộ cấp dưới của mình như thế nào thì không thể nào nói cán bộ đó tốt, làm tròn vai được.
Nếu làm tốt quy trình, làm tốt các khâu, thực hiện dân chủ và gắn liền với trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong quy trình cán bộ thì chất lượng cán bộ sẽ tốt hơn, sẽ được cải tiến, khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua, đáp ứng được mong mỏi của Đảng, Nhà nước, cũng là yêu cầu đối với sự phát triển và lấy lại niềm tin trong nhân dân.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông!
Càng được dân tin, báo chí càng cần trung thực
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ: Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội phát hành truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử… Ở Việt Nam, báo chí giữ vai trò rất quan trọng, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Theo pháp luật, báo chí được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng, của cơ quan Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Do đó, báo chí có nhiệm vụ quan trọng trong đó là nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân.
Báo chí còn có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, góp phần phản ánh hướng dẫn dư luận xã hội, nêu gương tốt việc tốt mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và thế giới.
Bên cạnh đó, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của công dân.
Do đặc thù như vậy nên người dân rất tin tưởng vào báo chí. Càng như vậy, báo chí càng cần trung thực, đảm bảo thông tin không gây hoang mang trong nhân dân, góp phần vào việc bảo vệ đường lối chủ trương của Đảng, ổn định chính trị phát triển kinh tế xã hội.