Báo chí hiện đại sàng lọc và làm chủ AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng trong báo chí thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, giúp cung cấp thông tin phong phú, chính xác, kịp thời cho công chúng...

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động báo chí là xu thế tất yếu. (Ảnh minh họa)

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động báo chí là xu thế tất yếu. (Ảnh minh họa)

Tại các hội thảo trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế-xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Việc ứng dụng AI trong báo chí truyền thông thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

Trên thực tế, ứng dụng AI trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung, mà có thể sử dụng để nắm bắt hành vi người dùng, gợi ý các nội dung phù hợp, giúp độc giả tiếp cận với nhiều thông tin phong phú và giữ chân họ ở lại với tờ báo lâu hơn.

Tham khảo có chọn lọc

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng chỉ là công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ, sử dụng nó cho hoạt động tác nghiệp của mình.

Bà Hằng lưu ý, AI có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất “báo chí tự động”, nhưng không thể coi là sự thay thế cho lực lượng phóng viên tác nghiệp thực tế. AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí rất cao nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp sự phát triển của công nghệ số. Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối về pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền, tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng AI… là những thách thức lớn.

“Báo chí tự động”

Hiện nay, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đang áp dụng AI theo những cách sáng tạo có thể giúp giải phóng nguồn lực của tòa soạn để tập trung vào những nghiệp vụ báo chí quan trọng hơn như đưa tin và biên tập - những công việc mà con người làm tốt nhất.

The Washington Post đã thử nghiệm tính năng viết tin tự động (còn được gọi là “báo chí tự động” hoặc “báo chí robot”) bằng phần mềm thông minh Heliograf. Tính năng này được ra mắt lần đầu tiên vào mùa Hè năm 2016 với những tin tức về Thế vận hội Rio de Janeiro (Brazil).

Phần mềm Heliograf tổng hợp tin tức bằng cách phân tích dữ liệu về các môn thi đấu. Thông tin này sau đó được đối chiếu, so sánh với các cụm từ có liên quan và thêm thông tin để tạo một câu chuyện có thể được xuất bản trên các nền tảng khác nhau. Phần mềm này có thể giúp các nhà báo phát hiện sự bất thường trong dữ liệu.

Trong suốt Thế vận hội, Heliograf cập nhật thông tin liên quan đến điểm số và tổng số huy chương trong thời gian thực, giải phóng thời gian cho các nhà báo để họ “rảnh tay”, tạo ra các nội dung tin bài khác.

Thường tập trung vào các tin tức “nóng” thay vì những nội dung phản ánh chuyên sâu, AP là hãng tin đang sử dụng AI một cách hoàn hảo. AI giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất tin tức của họ.

AP lần đầu tiên sử dụng AI để tạo nội dung tin tức vào năm 2013 để thu thập dữ liệu và viết các bài báo thể thao và tài chính. Ngày nay, AP sử dụng NewsWhip để cập nhật các tin bài thịnh hành trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest và LinkedIn.

Cùng với việc theo dõi tin tức, NewsWhip có thể phân tích khoảng thời gian thực hoặc lịch sử trong phạm vi từ 30 phút đến ba năm và cung cấp cho phóng viên các báo cáo hàng ngày.

Hãng tin Bloomberg sử dụng AI có tên là Cyborg. Cyborg hỗ trợ đưa ra hàng nghìn bài viết dựa trên các báo cáo thu nhập hàng quý của các công ty. Cyborg có thể mổ xẻ một báo cáo tài chính ngay khi nó xuất hiện và lập tức trả về một câu chuyện tin tức bao gồm các sự kiện và số liệu thích hợp nhất.

Tạp chí Forbes sử dụng nền tảng CMS (hệ thống quản lý nội dung) được hỗ trợ bởi AI có tên là Bertie, được thiết kế đặc biệt cho nội bộ tòa soạn, bao gồm các nhà báo, cộng tác viên chuyên nghiệp và đối tác. Bertie cung cấp cho họ các chủ đề đang thịnh hành trong thời gian thực, đề xuất cách tạo tiêu đề hấp dẫn hơn và những hình ảnh liên quan.

Sự tương hỗ giữa nhà báo và AI

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các nhà báo và cơ quan báo chí sử dụng các phần mềm AI “nội” như: Dịch vụ số hóa tài liệu VNPT edig, công cụ Smart RPA của VNPT, Viettel AI open platform, Viettel OCR, IONE-Giải pháp nhận dạng và bóc tách thông tin tự động, VietOCR…

Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh gần đây bước đầu thử nghiệm ứng dụng Chat GPT vào sản xuất phóng sự truyền hình mảng công nghệ.

AI có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động. Khi được sử dụng đúng cách, AI có thể giúp tối đa hóa đầu ra tại các tòa soạn. Song AI không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường.

Với mô hình tòa soạn số, tích hợp thêm nhiều hệ thống AI thông minh, con người và AI vẫn phải làm việc cùng nhau, để vừa thực hành báo chí hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, theo kịp quy mô các phương tiện truyền thông toàn cầu, đồng thời hạn chế tối đa những mặt trái của công nghệ mà AI có thể mắc phải.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-chi-hien-dai-sang-loc-va-lam-chu-ai-220881.html