Báo chí khẳng định vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng - Bài cuối: Xứng đáng hơn nữa trên mặt trận tư tưởng
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí. Nhận thức được trọng trách là công cụ đắc lực, vũ khí sắc bén của Ðảng trên mặt trận tư tưởng, các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa những mặt tích cực; khắc phục những hạn chế, khó khăn; đề ra và thực hiện những giải pháp tối ưu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong tình hình mới.
Báo Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng Đảng
Với chức năng là cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của Nhân dân tỉnh nhà, những năm qua Báo Cà Mau không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các loại hình báo chí. Trong đó, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Hiện tại, báo Cà Mau có trên 10 chuyên mục, chuyên trang liên quan đến công tác xây dựng Ðảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðó là các chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng”, “Xây dựng Ðảng”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Ðưa Nghị quyết vào cuộc sống”, “Sinh hoạt tư tưởng”, “Theo dòng sự kiện”, “Cùng suy ngẫm”, “Xã luận”, “Gương người tốt - việc tốt”... Hằng năm, báo Cà Mau có trên 500 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực này.
Các chuyên mục tuyên truyền về xây dựng Ðảng được tuyên truyền đồng thời trên loại hình báo in và báo điện tử. Nội dung bài viết được biên tập cô đọng, ngắn gọn, súc tích, vừa phản ánh thực tiễn công tác xây dựng Ðảng trong tỉnh, vừa nêu bật những vấn đề mang tính lý luận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Về hình thức, các loại hình báo chí ngày càng được trình bày đẹp hơn, các tác phẩm báo chí về xây dựng Ðảng được minh họa bằng hình ảnh người thật, việc thật kết hợp với tranh minh họa phù hợp.
Nhà báo Ngô Minh Toàn, Tổng Biên tập Báo Cà Mau, cho biết: “Ban Biên tập Báo Cà Mau mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng” trên báo in và báo điện tử khi Bộ Chính trị triển khai, thực hiện Nghị quyết số 35 đến nay. Theo đó, Ban Biên tập phân công nhóm phóng viên chuyên sâu để thực hiện các mảng đề tài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, vừa đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền ngày càng cao, vừa tạo nguồn tác phẩm báo chí chất lượng để tham gia dự thi Giải báo chí Búa Liềm Vàng do Ban Tổ chức Trung ương phát động. Kết quả, báo Cà Mau đạt giải A và Khuyến khích giải báo chí Búa Liềm Vàng và được Ban Tổ chức Trung ương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia giải Búa Liềm Vàng”.
Trong công tác tuyên truyền, Ðảng ủy, Ban Biên tập Báo Cà Mau bám sát định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ðồng thời, nắm bắt kịp thời tình hình thời sự, diễn biến dư luận để tham mưu, dự báo, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy công tác tuyên truyền đúng trọng tâm, đúng định hướng.
Bên cạnh phóng viên phụ trách tuyên truyền mảng đề tài về xây dựng Ðảng, Báo Cà Mau còn nhận được sự quan tâm cộng tác của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ hưu trí; cán bộ, đảng viên đang công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Ðặc biệt, thông qua cuộc thi viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của tỉnh Cà Mau tổ chức, đã tạo được nguồn tác phẩm chất lượng, phục vụ hiệu quả cho công tác tuyên truyền. Có thể khẳng định rằng, báo Cà Mau là một trong những lực lượng tiên phong của tỉnh Cà Mau trong công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Thứ nhất, nhất quán nguyên tắc hoạt động báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Báo chí luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính Nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng. Báo chí phải có trách nhiệm hình thành dư luận xã hội lành mạnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, cần phải xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí thật sự vững mạnh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng đảm bảo báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Ðảng. Ðẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng trong các cơ quan báo chí, gắn với công tác giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị của người làm báo. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cán bộ lãnh đạo, Ban Biên tập nhận thức toàn diện, đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác tuyên truyền xây dựng Ðảng thì mảng đề tài này sẽ được quan tâm đúng mức.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, tận dụng ưu thế của khoa học và công nghệ trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cần chủ động nghiên cứu, sáng tạo nhằm đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, nhất là các hình thức tuyên truyền mới, bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, khoa học - kỹ thuật, gắn với tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tăng thời lượng thông tin... để tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương những điển hình tiên tiến; đấu tranh phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, báo chí chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan báo chí cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý báo chí kế thừa; đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ, để góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên đủ năng lực, sắc sảo về lý luận, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhanh nhạy nắm bắt tình hình thời sự, dư luận xã hội... để có những tác phẩm báo chí cộng tác đạt chất lượng cao.
Thứ năm, cơ quan báo chí tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội, Biên phòng...) chủ động nắm bắt tình hình và chia sẻ thông tin về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để báo chí tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của các tầng lớp Nhân dân. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án) tổ chức các phiên tòa lưu động xử lý các vụ án liên quan đến các phần tử chống phá Ðảng, Nhà nước để vừa tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, vừa răn đe trong cộng đồng.
Thứ sáu, đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, chương trình... gắn với đổi mới nội dung tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền về xây dựng Ðảng bằng các thể loại báo chí: bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, ghi nhanh, tọa đàm... để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nội dung tuyên truyền phải gắn chặt giữa “xây” và “chống”; “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả; “xây” đi đôi với “chống”, muốn “xây” thì phải “chống”, và “chống” nhằm mục đích “xây”.
Thứ bảy, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, hội viên chân chính trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời, xứng đáng đối với nhà báo, phóng viên, hội viên dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả. Ðồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng lợi dụng danh nghĩa “người làm báo” để vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thứ tám, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ðã qua, việc sơ kết, tổng kết Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị được các cấp ủy Ðảng quan tâm thực hiện, trong đó có lồng ghép đánh giá công tác tuyên truyền. Song, việc sơ kết, tổng kết mang tính chuyên đề để có cái nhìn khách quan, tổng thể của lực lượng báo chí đối với công tác này chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các cơ quan báo chí quan tâm. Vì thế, chưa đánh giá thực chất những mặt tích cực, hạn chế, nguyên nhân, để đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong giai đoạn tiếp theo. Vấn đề này cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Ðây là định hướng rất quan trọng cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, truyền thông ở nước ta trong bối cảnh công nghệ số và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.