Báo chí không có chỗ cho sự mơ hồ

Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí quy định: 'Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân'. Yêu cầu quan trọng trong hoạt động báo chí là thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đang có dấu hiệu 'lệch chuẩn', cần phải xử lý.

Ngày 5-7-2022, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 47/QĐ-XPVPHC đối với Báo Pháp luật Việt Nam về 13 lỗi vi phạm. Trong đó, xử phạt cảnh cáo đối với 2 hành vi vi phạm, xử phạt bằng tiền 11 hành vi vi phạm với tổng 325 triệu đồng. Đồng thời, Báo Pháp luật Việt Nam cũng bị tước quyền sử dụng Giấy phép số 303/GP-BTTTT ngày 8-7-2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trong thời hạn 3 tháng.

Không phải riêng Báo Pháp luật Việt Nam có sai phạm trong hoạt động báo chí. Không ít báo, tạp chí khác cũng liên tục bị dư luận phản ánh về sự thiếu lành mạnh trong quá trình làm việc. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí và các đơn vị chủ quản mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí

Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội. Sản phẩm báo chí tốt không chỉ dừng lại ở việc lan truyền thông tin một cách đơn thuần mà còn phải có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Ngược lại, những sản phẩm báo chí không lành mạnh sẽ tạo ra dư luận xấu, hình thành nhận thức thiếu chuẩn xác đối với bạn đọc, tùy mức độ sẽ có những tác động khác nhau đến đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí là không nhỏ. Đã xuất hiện xu hướng tách rời hoạt động báo chí với định hướng của Đảng, chạy theo cái gọi là “tự do báo chí” đơn thuần bất chấp quy định pháp luật.

Một bộ phận người làm báo chưa thực sự chuẩn mực, không tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Họ bất chấp tính nhân văn của báo chí để chạy theo các sự kiện “giật gân”, những thông tin chưa được kiểm chứng. Có người nhìn nhận các sự kiện trong xã hội một cách phiến diện, mơ hồ, chỉ chăm chú khoét sâu, thổi phồng, phóng đại những mặt tiêu cực, hạn chế, khuyết điểm mà bỏ qua những yếu tố tích cực, điều hay, lẽ phải. Ngoài ra, cũng có không ít người đã lạm dụng danh nghĩa báo chí để “đứng trên luật pháp”, viết sai sự thật, xâm phạm đời tư, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, vai trò của báo chí ngày càng trở nên quan trọng. Với khả năng định hướng, dẫn dắt dư luận, báo chí có thể thay đổi được nhiều việc. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà đã xuất hiện một số cá nhân làm báo “ảo tưởng quyền lực”. Bất chấp việc các thế lực thù địch, đối tượng xấu, cơ hội chính trị đang chĩa mũi nhọn công kích Đảng, Nhà nước, một số người làm báo lại tiếp tay, hùa theo soi mói, “thêm dầu vào lửa”, gây phức tạp tình hình. Cá biệt, có một số trường hợp đã “đổi màu”, trở thành đối tượng cơ hội chính trị cộm cán, núp dưới danh nghĩa nhà báo để chống phá chế độ.

Không ít người làm báo đã phải trả giá cho hành vi sai phạm của mình. Trong đó có thể kể đến trường hợp Phạm Đoan Trang (một đối tượng “dân chủ” cộm cán), Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thế Thắng (là các thành viên của nhóm “Báo sạch”) đã bị kết án theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thi thoảng chúng ta lại đọc được những thông tin về việc một số nhà báo, phóng viên bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “tống tiền” doanh nghiệp.

Làm trong sạch môi trường thông tin

Những sai phạm trong lĩnh vực báo chí bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản. Có những cơ quan báo chí phát sinh nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sai phạm nhưng không được giải quyết kịp thời. Một số lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín nhưng cơ quan chủ quản không có phương án thay thế dẫn đến nội bộ lục đục, mất đoàn kết kéo dài.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo. Tuy nhiên, đi liền với đó là việc xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Để báo chí thực sự trở thành diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý báo chí, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có sai phạm để răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định thực hiện hành vi vi phạm. Cơ quan chủ quản cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, huấn luyện, nâng cao chuyên môn, trình độ, năng lực cho đội ngũ những người làm báo, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, không thể có chỗ cho sự mơ hồ, thiếu cảnh giác về chính trị; vụ lợi, toan tính về lợi ích cá nhân; thờ ơ, vô cảm với đời sống xã hội.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134882/bao-chi-khong-co-cho-cho-su-mo-ho