Báo chí luôn đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Đà Nẵng

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, truyền thông trên địa bàn là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực, chủ động kết nối với các cơ quan báo chí; kịp thời cung cấp thông tin chính thống để thực hiện tuyên truyền đảm bảo chính xác, khách quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Dành cho Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn ngay trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định một cách sâu sắc sự đồng hành quan trọng này.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, truyền thông trên địa bàn là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực, chủ động kết nối với các cơ quan báo chí; kịp thời cung cấp thông tin chính thống để thực hiện tuyên truyền đảm bảo chính xác, khách quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Dành cho Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn ngay trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định một cách sâu sắc sự đồng hành quan trọng này.

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh - Trưởng Ban Tuyên giáoThành ủy Đà Nẵng

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh - Trưởng Ban Tuyên giáoThành ủy Đà Nẵng

Thưa đồng chí, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi địa phương đặc biệt quan tâm trong đó có Đà Nẵng. Rất nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội TP đạt được trong những năm qua, luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Đánh giá của đồng chí về kết quả này?

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh: Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo, đài thành phố các nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đề nghị cấp ủy các cơ quan báo chí nghiêm túc quán triệt đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên khi đăng tải tin, bài, nhất là đối với những vấn đề, sự kiện, hiện tượng phức tạp, nhạy cảm.

Hiện nay địa bàn TP có 4 cơ quan báo chí địa phương hoạt động với các loại hình báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử; 114 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động. Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện chọn lọc và điểm gần 17.800 tin, bài gửi đến lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện và tổng hợp các vấn đề báo chí quan tâm, phản ánh để đề nghị các cơ quan, đơn vị xử lý và phản hồi. Tổng số lượng các vấn đề đã được phản hồi đạt khoảng 90%. Sở cũng ghi nhận gần 40.000 tin, bài về thành phố đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

UBND TP tiếp tục triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với 9 cơ quan báo chí trên địa bàn. Kết quả, đã có hơn 1.500 tác phẩm báo chí được đăng tải, phát sóng ở tất cả các loại hình báo chí, thu hút lượng lớn độc giả quan tâm. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền đậm nét các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố, nhất là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”; các chương trình, đề án của thành phố, như: Đề án Chuyển đổi số, các chương trình thành phố “5 không, 3 có”, “4 an”, “Thành phố môi trường”...

Phải khẳng định rằng, các cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành, địa phương khác có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua luôn đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của thành phố. Thông tin báo chí đã tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, sự kiện văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh thành phố đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước...

Phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện diễn ra tại TP Đà Nẵng.

Phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện diễn ra tại TP Đà Nẵng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động báo chí đôi lúc vẫn để xảy ra sai sót, như những thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước. Để chủ động hạn chế những sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội, dẫn đến kẽ hở để các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng xuyên tạc, ngành tuyên giáo đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh: Bên cạnh ưu điểm, hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa; có những thông tin chưa đúng sự thật, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Ví dụ, khi phản ánh thông tin liên quan đến một lĩnh vực, sự vụ cụ thể, nhiều phóng viên báo chí chỉ tìm những mặt trái để thông tin với mục đích giật gân, “câu view”, trong khi rất nhiều những tấm gương hy sinh, nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo ít được quan tâm tuyên truyền.

Năm 2023, các cơ quan quản lý báo chí đã kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của 10 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí. Qua đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cơ quan báo chí, 1 phóng viên.

Có một thực tế hiện nay là một số cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn chưa chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin và trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh: Đây có thể xem là một trong những hạn chế cần phải thẳng thắn tiếp thu và có giải pháp khắc phục. Chính công tác phối hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí của các cơ quan chức năng có lúc còn chưa nhịp nhàng, dẫn đến chưa thống nhất trong xử lý, khắc phục việc báo chí đăng tải chưa đúng sự thật đối với các sự việc nóng, nhạy cảm trên địa bàn. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt Nghị định 09/2017NĐ-CP ngày 09-02-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước; việc tổ chức họp báo, cung cấp thông tin báo chí định kỳ của các cơ quan chức năng thực hiện chưa tốt, dẫn đến báo chí khai thác thông tin chưa chính xác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của thành phố.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị các cấp, các ngành, địa phương xây dựng quy chế, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời có thông báo kịp thời cho Ban Tuyên giáo Thành ủy về các bài báo phản ánh sai sự thật, thiếu khách quan, chủ ý làm sai sự thật... để có biện pháp xử lý kịp thời; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các cấp thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí.

Hướng đến xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng và kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, tạo sự chuyến biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí, xin đồng chí cho biết thành phố sẽ có những chương trình hành động gì?

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh: Công tác chỉ đạo báo chí đòi hỏi sự góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả cơ quan báo chí và các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý báo chí. Có làm tốt công tác quản lý báo chí thì các cơ quan báo chí mới phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần để báo chí cách mạng phát triển không ngừng, phục vụ Tổ quốc, thành phố và nhân dân ngày một tốt hơn.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan báo, đài, truyền thông thuộc thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 9262-QĐ/TU ngày 27-10- 2023 của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn thành phố. Hiện nay Ban Tuyên giáo Thành ủy đã xây dựng và đang tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố.

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm tham mưu UBND TP ban hành quy chế hoạt động của phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng; duy trì và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng họp báo hằng quý, hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hằng tháng phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý báo chí trong tình hình mới. Đặc biệt, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; tăng cường xử lý thông tin báo chí nêu để kịp thời thông tin tới các cơ quan báo chí và công luận; chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa”, “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đưa thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, phiến diện; tăng cường kiểm soát, phòng, chống tiêu cực trong hoạt động báo chí, xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm pháp luật…

Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

CÔNG HẠNH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bao-chi-luon-dong-hanh-ho-tro-dac-luc-cho-su-phat-trien-cua-da-nang-post296849.html