Báo chí Mặt trận thực sự là diễn đàn rộng rãi của Nhân dân
98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có báo chí Mặt trận luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng làm nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội rộng rãi, theo đó, báo chí Mặt trận cũng có phạm vi bao quát, là cơ quan ngôn luận, diễn đàn rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là một lợi thế chính trị có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn không chỉ đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà cả với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí Mặt trận hiện nay là lực lượng vô cùng hùng hậu, có đối tượng phục vụ bao quát hết thảy các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh Báo Đại đoàn kết và Tạp chí Mặt trận là hai cơ quan ngôn luận trực tiếp, trực thuộc sự lãnh đạo, quản lý của Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí Mặt trận còn bao gồm báo chí của các tổ chức thành viên Mặt trận, trực tiếp chịu sự lãnh đạo, quản lý của chính các tổ chức thành viên như:
Báo Lao động (cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), báo Nông thôn ngày nay (cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), báo Tiền phong (cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), báo Phụ nữ Việt Nam (cơ quan của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), báo Cựu Chiến binh (cơ quan của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), báo Thanh niên (diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam)…
Ngoài báo in giấy (báo viết), nhiều cơ quan, tổ chức thành viên Mặt trận còn có tạp chí điện tử, báo điện tử, tập san, tờ tin, số chuyên đề…
Đó là chưa kể đến sự đa dạng của các thể loại: báo hình, báo nói được tổ chức là các phòng, ban độc lập theo cơ quan chủ quản hoặc lồng ghép, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, các Ban Tuyên giáo từ cơ quan Trung ương xuống đến cơ sở.
Rõ ràng, với sự đa dạng, phong phú của các loại hình báo chí Mặt trận như vừa nói trên thật sự đã trở thành một diễn đàn, tiếng nói vô cùng rộng lớn, thuận lợi cho hết thảy các đối tượng quần chúng nhân dân. Vấn đề đặt ra chỉ là, làm sao để các cơ quan báo chí Mặt trận thật sự phát huy được lợi thế to lớn này trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục đông đảo quần chúng nhân dân, cũng như lắng nghe và phản ánh trở lại ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc nhằm nhân lên sức mạnh của toàn dân tộc.
Do nhận thức rõ và sâu sắc vị trí, vai trò tờ báo của mình, trong nhiều năm qua, không chỉ báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, mà hầu hết báo chí của các tổ chức thành viên Mặt trận, dù sự ra đời sớm muộn có thể khác nhau nhưng đều có đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới và phát triển như hiện nay.
Nhìn tổng thể, báo chí Mặt trận đã và đang thật sự trở thành một trong những diễn đàn rộng rãi, quan trọng, tin cậy nhất của toàn dân trong việc định hướng chính trị, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; dẫn dắt và cổ vũ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; thông tin tình hình thời sự trong nước và quốc tế; phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân; phát hiện cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đặc biệt, báo chí Mặt trận đã và đang làm rất tốt việc quán triệt và tuyên truyền của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên cơ sở xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của cách mạng nước ta.
Chính nhờ tư duy đổi mới, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân làm gốc, dân làm chủ và dân là chủ mà trong toàn bộ hoạt động của mình, nhiều tờ báo đã có cách tiếp cận mới, coi báo chí là diễn đàn thật sự phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, phản ánh trung thực ý kiến, tâm tư, nguyện vọng quần chúng nhân dân, xem đó làm tôn chỉ, mục đích hoặc nội dung chủ yếu, cơ bản trong hoạt động của báo.
Theo thời gian, không ít tờ báo đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong lòng quần chúng nhân dân, có nhiều đóng góp quan trọng và thiết thực trong làng báo chí cách mạng nói chung, báo chí của Mặt trận nói riêng.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí thông tin về Lễ phát động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). ẢNH: KỲ ANH
Để báo chí Mặt trận thật sự là diễn đàn rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân, mỗi tờ báo dù là báo in, báo nói, báo hình hay báo điện tử cần phải xác định cho được mình viết cho ai, phục vụ và bảo vệ ai? Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”1.
Chính vì vậy, sự ra đời và tồn tại của một tờ báo, kể cả báo viết chuyên cho một giới, một ngành, lĩnh vực vẫn không ngoài mục đích phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, lấy đông đảo quần chúng nhân dân làm điểm tựa, sự tồn tại và phát triển tờ báo của mình “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”2.
Tuy nhiên, để đông đảo quần chúng nhân dân ham chuộng một tờ báo là không dễ. Điều này không chỉ liên quan đến uy tín, sự yêu hay ghét mà còn liên quan đến chính sự tồn tại hay không tồn tại một tờ báo. Bởi lẽ, một tờ báo ra đời, tồn tại ngoài mục đích, tôn chỉ riêng còn mang ý nghĩa phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của Đảng, Nhà nước, đó là định hướng, giáo dục và tổ chức cho đông đảo dân chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung.
Ở một khía cạnh khác, báo chí còn là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc. Sản phẩm báo chí cũng chính là sản phẩm văn hóa mà ở đó không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp, mà còn là sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiên tiến của nhân loại.
Chính vì vậy, một tờ báo muốn được đông đảo quần chúng nhân dân ham chuộng, yêu mến, cổ vũ và đón nhận như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lấy phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân là yêu cầu tối thượng.
Mỗi tờ báo, cụ thể hơn là mỗi nhà báo muốn được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến và thừa nhận phải thấm nhuần lời dạy và học hỏi phong cách làm báo của Người để luôn tự đặt ra câu hỏi cho mình: Vì ai mà mình viết? Mục đích viết để làm gì? Cách viết như thế nào? Khi viết được đăng rồi thì lại phải chú ý lắng nghe xem bài báo có được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận không, cái hay cái dở là gì? Ý kiến phản hồi của họ ra sao?
Trong điều kiện dân trí ở nước ta ngày càng được nâng cao, cùng với sự phát triển đa dạng, phong phú và nhanh nhạy của loại hình báo mạng đưa lại, việc một tờ báo nào đó thu hút được đông đảo quần chúng, được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến càng khó.
Điều đó đặt ra yêu cầu, bản thân mỗi tòa soạn báo, cụ thể từ lãnh đạo ban biên tập, phóng viên, biên tập viên đến cán bộ, nhân viên của báo phải nỗ lực không ngừng, thường xuyên đổi mới trên cơ sở giữ vững và bám sát tôn chỉ, mục đích làm cho tờ báo trở thành diễn đàn dân chủ, thật sự là người bạn đáng tin cậy của đông đảo quần chúng nhân dân.
Điều đó cũng có nghĩa, giữa người viết với người đọc, người nghe, người xem phải ngày một thu dần khoảng cách để cùng có sự đồng cảm, thấu hiểu vấn đề, biết rõ nhu cầu người đọc, người nghe cần gì để trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi lẫn nhau cùng tự nâng mình lên.
Với báo chí Mặt trận càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết do sự thấu hiểu được dựa trên nguyên tắc lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, chấp nhận những điểm còn khác biệt, tôn trọng những ý kiến còn khác nhau nhưng không trái với lợi ích của dân tộc, của đất nước.
Đây là yêu cầu đặc biệt đòi hỏi báo chí Mặt trận phải có tầm bao quát, quan tâm đến mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, mọi lứa tuổi, mọi cấp, mọi ngành, người Việt Nam ở trong và ngoài nước để không bỏ sót, bỏ rơi bất cứ một đối tượng nào.
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, báo chí Mặt trận đã có sự gắn kết, phối hợp với nhau ngày một chặt chẽ hơn. Ngoài báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, mỗi tờ báo của các tổ chức thành viên Mặt trận ngoài tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thành viên mình đảm nhận còn có trách nhiệm tuyên truyền thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chương trình phối hợp thống nhất hành động chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, báo chí Mặt trận còn tập trung tuyên truyền, cổ vũ nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, phong trào, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”… do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và các tổ chức thành viên Mặt trận phát động, thông qua báo chí Mặt trận nói chung đều được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia ủng hộ và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Trên thực tế đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt làm điểm tựa, từ đó thúc đẩy nhân lên các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Nhờ đó mà tình hình chính trị, tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân có những chuyển biến mới, quyền làm chủ của nhân dân, tính tích cực xã hội được phát huy; tiêu cực, tệ nạn xã hội dần được khắc phục và bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi cao của công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, chuyển đổi số hóa báo chí, truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện thì báo chí Mặt trận vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm.
Nói cách khác, báo chí Mặt trận vẫn còn những khoảng cách so với yêu cầu đòi hỏi không chỉ đơn thuần về tài chính, công nghệ, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế; quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới chưa hoàn thiện mà còn là những hạn chế về tư duy, trình độ và năng lực của đội ngũ những người làm báo.
Trong điều kiện của phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không còn bao cấp của Nhà nước, không ít tờ báo của Mặt trận còn phải loay hoay, xoay sở lo đủ tài chính để hoạt động.
Chính vì vậy, các báo chưa tập trung tối đa cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nguồn nhân lực là đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã phần nào ảnh hưởng, hạn chế đến chất lượng tờ báo.
Trên thực tế, báo chí Mặt trận bao gồm nhiều tờ báo của các tổ chức thành viên với các cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý khác nhau, thời gian qua chưa có sự phối hợp thật chặt chẽ, nhịp nhàng. Hàng năm, Mặt trận có nhiều chương trình, nội dung rất cần có sự phối hợp, thống nhất hành động chung.
Tuy nhiên, khi triển khai, hệ thống báo chí Mặt trận thường chưa có sự phân công và tổ chức tuyên truyền đồng bộ nên kết quả, tác động đến phong trào và đông đảo quần chúng nhân dân còn hạn chế, đặc biệt chưa có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về chủ đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để đổi mới báo chí theo kịp với sự biến đổi, phát triển của xã hội và báo chí Mặt trận thật sự là diễn đàn rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân cần lưu ý:
Thứ nhất, báo chí Mặt trận muốn được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến và thật sự trở thành diễn đàn dân chủ rộng rãi của Nhân dân thì phải phản ánh đúng và trúng ý chí, tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng quần chúng nhân dân.
Mỗi tờ báo của tổ chức thành viên Mặt trận cần căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu đối tượng để hướng đến xây dựng cho tờ báo của mình có được bản sắc riêng. Nội dung phản ánh phải toát lên sự trong sáng, cương trực, yêu cái hay, cái đúng, cái tiến bộ và kiên quyết đấu tranh phanh phui cái xấu, cái ác đem ánh sáng của báo tỏa sáng, sưởi ấm đông đảo quần chúng nhân dân.
Hơn thế, thông qua báo chí còn phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình; khuyến khích, động viên quần chúng nhân dân phát hiện, chỉ bảo những sai lầm, khuyết điểm của báo để sửa chữa.
Thứ hai, báo chí các thành viên Mặt trận bên cạnh thực hiện tôn chỉ, mục đích phục vụ theo yêu cầu tổ chức giới, ngành, lĩnh vực mình đảm nhận còn có trách nhiệm bám sát nội dung, chương trình phối hợp và thống nhất hành động chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cần có sự phân công, phối hợp chặt chẽ không chỉ báo chí của các tổ chức thành viên khác nhau, mà còn giữa các loại hình báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử… ngay trong cùng một tổ chức thành viên để tuyên truyền bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm công tác Mặt trận mới có hiệu quả, đủ sức lan tỏa đến mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, mọi cấp mọi ngành, người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Thứ ba, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi số hóa báo chí hiện nay, việc cạnh tranh lành mạnh, việc đẩy mạnh kinh tế báo chí là cần thiết và là xu thế tất yếu, song dứt khoát không được sa vào xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí. Trái lại, báo chí Mặt trận càng cần giữ vững định hướng chính trị, báo chí phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Đặc biệt, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam phải được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu mà báo chí Mặt trận cùng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động.
Thứ tư, để tham gia vào quá trình chuyển đổi số hóa báo chí hiện nay, ngoài đầu tư phát triển công nghệ, quy trình sản xuất mới là cần thiết, song quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho phát triển con người là các nhà báo, các biên tập viên.
Phẩm chất hàng đầu của người làm báo là sự trong sáng và lòng trung thực, dùng ngòi bút, trang giấy làm vũ khí chiến đấu phải được quan tâm bồi dưỡng, giáo dục thường xuyên.
Người làm báo cần được xác định là người chiến sỹ cách mạng vững vàng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; có đạo đức trong sáng và phong cách làm báo khoa học, luôn gần gũi với nhân dân.
Ngoài những yêu cầu chung, người làm báo Mặt trận phải đặt mình là người làm công tác Mặt trận, có kiến thức và am hiểu công tác Mặt trận, công tác dân vận. Chỉ như vậy mới mong có được các tác phẩm báo chí xuất sắc, xứng tầm, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng đoàn, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức thành viên của Mặt trận; cơ quan, ngành chức năng phối hợp nghiên cứu xây dựng một cơ chế chặt chẽ, khoa học hơn nữa trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung vào các vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chú trọng việc bồi dưỡng để không ngừng nâng cao nhận thức chính trị cũng như các kiến thức chuyên sâu về Mặt trận cho đội ngũ làm báo Mặt trận như: Vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác đối ngoại, kiều bào, vấn đề giám sát và phản biện xã hội… Chỉ khi đó mới mong có những tác phẩm báo chí xuất sắc mang dấu ấn, bản sắc Mặt trận xứng tầm, thật sự là diễn đàn rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Chú thích:
1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 625.