Báo chí quốc tế nói gì về huyền thoại nghề báo Phạm Xuân Ẩn?
Tài năng và nhân cách của nhà báo - điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã khiến giới báo chí quốc tế phải bày tỏ sự kính trọng.
Một điệp viên hoàn hảo của cuộc chiến tranh Việt Nam
Từ năm 1959 – 1975, với vỏ bọc là phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA, Phạm Xuân Ẩn đã có được những nguồn tin tức cực kỳ quan trọng từ quân đội, cơ quan tình báo của Mỹ và chế độ Sài Gòn để cung cấp cho lực lượng Giải phóng.
Đến tháng 1/1976, khi Trung tá Trần Văn Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" với tư cách cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền, thế giới mới chính thức biết ông là một tình báo viên thời chiến.
Kể từ đó, báo chí phương Tây đã không tiếc lời ca ngợi một “điệp viên hoàn hảo” của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Jean - Claude Pomonti, phóng viên của báo Pháp Le Monde đã nhận xét: "Ông vừa là điệp viên vừa là nhà chiến lược… Ông có mạng lưới liên lạc sâu sát với người Mỹ và có khả năng phân tích tình huống xuất sắc. Họ chưa bao giờ bắt được ông. Ông là điệp viên hoàn hảo".
Đồng tình với nhận định trên, Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, tác giả cuốn sách Decent Interval (Khoảng cách thích đáng) nói về sự sụp đổ hỗn loạn của Sài Gòn năm 1975, nói: "Phạm Xuân Ẩn đã có được nguồn tin tức tình báo chiến lược. Điều đó là rõ ràng. Nhưng chưa ai 'dẫn con mèo đi ngược', thực hiện một cuộc xét nghiệp pháp y về các tác hại mà ông đã gây ra. Cơ quan CIA không có gan làm việc đó" .
Larry Berman - tác giả một cuốn tiểu sử về Phạm Xuân Ấn – không thể giấu nổi sự ngạc nhiên trước kỹ năng điêu luyện nhà tình báo Việt Nam: “Điều kỳ lạ nhất là làm thế nào ông ta có thể làm được việc đó trong thời gian lâu đến thế, vừa là một tình báo thành công vừa là một nhà báo giỏi. Ông ấy không bao giờ phải lấy cắp một tài liệu vì ông ấy là một nhà báo chuyên nghiệp và là một điệp viên chuyên nghiệp. Những người thân thiết nhất của ông ấy là (đại tá Edward) Lansdale và William Colby (người sau này phụ trách CIA). Người ta luôn cho ông ấy xem các tài liệu để được lắng nghe ý kiến và phân tích của ông ấy, vì ông ấy quá thông minh".
Hãng thông tấn AP nhận xét: “Trong lịch sử tình báo chiến tranh, ít ai thành công như Phạm Xuân Ẩn. Suốt mười lăm năm chiến tranh ở Đông Dương, ông bước đi giữa hai thế giới, vừa làm một nhân viên tình báo, vừa làm báo, đầu tiên cho Reuters và trong 10 năm sau đó là phóng viên chính của Time - một vai trò khiến ông tiếp cận được với các căn cứ quân sự và việc thông báo tin tức. Ông nổi tiếng về các nguồn tin của mình đến mức nhiều người Mỹ quen biết ông tưởng ông làm việc cho CIA”.
Điệp viên và nhà báo: Hai khuôn mặt của một người yêu nước
Trong hai vai trò nhà báo và điệp viên, Phạm Xuân Ẩn đã đảm nhiệm vai trò nào xuất sắc hơn? Đây là một câu hỏi đã được giới truyền thông quốc tế đưa ra phân tích.
Tác giả Larry Berman chia sẻ: “Tôi nghĩ dù là một nhà báo giỏi, ông ấy còn là một điệp viên xuất sắc hơn. Ông đã mang chiếc mặt nạ trong một thời gian rất dài mà không hề bị phát hiện. Nhưng nếu câu hỏi là Ẩn có nhìn bản thân mình như là một điệp viên không? Tôi nghĩ là không. Ông có nhìn bản thân mình như là một nhà báo không? Tôi nghĩ là có”
Theo tờ Washington Post, bên cạnh vai trò của một nhà tình báo,Phạm Xuân Ẩn thực sự là một phóng viên hàng đầu ở miền Nam Việt Nam trước 1975: “Ông thạo thu thập và phân tích tin tức đến mức ông được coi là phóng viên Việt Nam giỏi nhất trong giới báo chí. Phạm Xuân Ẩn khẳng định mình không nói dối, làm méo mó hay sai lệch tin tức trong các bài báo của mình”.
Có lẽ, đối với Phạm Xuân Ẩn, nhà báo hay điệp viên chỉ đơn giản là hai khuôn mặt của một con người yêu nước. Ông sẵn sàng đảm nhận bất cứ vai trò nào nếu điều đó phục vụ cho sự nghiệp thống nhất đất nước mà ông theo đuổi.
Các đồng nghiệp nghĩ gì về Phạm Xuân Ẩn?
Giới truyền thông quốc tế đã chấn động khi biết Phạm Xuân Ẩn – một nhà báo kỳ cựu của hãng thông tấn Reuters và tuần báo Time - là một “siêu điệp viên” của Việt Nam.
Dù vậy, rất nhiều đồng nghiệp quốc tế của Phạm Xuân Ẩn vẫn coi ông là một người bạn.
Nhà báo McCulloch, người từng làm giám đốc các văn phòng của Time ở châu Á nói: "Tôi có giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động tình báo của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh. Nếu tình thế đổi ngược lại, chắc tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá ".
Reuters trích lời David Halberstam, một phóng viên thời chiến của New York Times, nói rằng câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn “đầy ly kỳ, nhưng tôi vẫn quý Ẩn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị ông ấy phản bội”.
David Haberstam, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn tại báo Time, là tác giả cuốn sách Making of a Quagmire (Một thế sa lầy đang thành hình) năm 1965 nói về Chiến tranh Việt Nam. Khi biết sự thật về Phạm Xuân Ẩn, ông nói: "Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn nhắc lại tất cả những câu hỏi căn bản do Graham Green từng nêu ra trong tác phẩm Người Mỹ trầm lặng: Thế nào là sự trung thành? Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là sự thật? Anh là ai khi anh nói những sự thật ấy?"
Một bài viết do hãng thông tấn AFP đăng tải có đoạn: “Nhiều phóng viên nước ngoài từng làm việc cùng ông Ẩn trong chiến tranh về sau nói rằng họ không trách giận gì ông. Đồng nghiệp tại tạp chí Time Robert Sam Anson mãi sau này mới biết Ẩn từng cứu ông năm 1970 bằng cách bí mật thu xếp để ông thoát khỏi tay Khmer Đỏ ở Campuchia. Khi Anson gặp Ẩn năm 1987, nhà báo Mỹ hỏi ông tại sao lại cứu mình. Phải, Ẩn đáp. Tôi là kẻ thù của nước anh, nhưng anh là bạn tôi”.
Có thể thấy rằng, nhân cách lớn của Phạm Xuân Ẩn chính là điều khiến ông nhận được sự tin tưởng và kính trọng từ các đồng nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.