Báo chí trong công cuộc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Trong công cuộc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, báo chí là một trong những kênh tuyên truyền, cổ động cho sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi người dân thành phố mang tên Bác...

Nhiệm vụ chung

Mặc dù chưa có tài liệu nào thể hiện rõ khái niệm về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhưng qua quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, TPHCM xác định, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM là một trong những không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM là một trong những không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo đó, một trong 8 quan điểm, phương hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, xác định: “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.

Những quyết tâm ấy đã chuyển biến thành hành động cụ thể. Nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra đời, đã tạo dấu ấn tốt đẹp trong Nhân dân.

Khi nói đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những không gian cụ thể, các di tích lịch sử có liên quan đến Bác Hồ, như: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, địa chỉ đỏ di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm - Quận 5…, đường sách TPHCM tại đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, “Lễ hội đường sách Tết”…; các địa chỉ đỏ, nơi lưu dấu ấn đấu tranh cách mạng kiên cường của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã tin tưởng và đi theo con đường mà Bác đã chọn; các công trình, sản phẩm vật chất thể hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong những năm qua (như góc trưng bày hình ảnh, tác phẩm về Hồ Chí Minh…); các công trình phục vụ đời sống của người dân theo tư tưởng của Người…

Thực tiễn để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ngành văn hóa TPHCM đã thống kê, sưu tầm tài liệu, hiện vật gốc, hiện vật hình ảnh… liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng cơ sở dữ liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đơn vị đã ghi chép, lập hồ sơ hơn 30.900 tài liệu, hiện vật; đồng thời số hóa các dữ liệu hiện vật để thuận tiện quản lý; lưu giữ 29 phim tư liệu…

Bên cạnh đó, TPHCM xây dựng hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, chung cư… Các đơn vị đã tổ chức hơn 2.000 hội nghị, hội thi, chương trình nghệ thuật; vận động sáng tác hơn 1.365 tác phẩm văn học nghệ thuật; tổ chức hơn 23.000 triển lãm ảnh, trưng bày, giới thiệu sách về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác không chỉ là di sản văn hóa, chính trị của dân tộc, mà là tài sản của người dân thành phố trong cuộc sống của mình. Tức là môi trường sống ở thành phố phải là môi trường sống chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác. Nói một cách khác, môi trường sống ở thành phố phải là nơi mà không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu mỗi ngày, “để TPHCM thực sự là thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” và “để mỗi người dân Thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TPHCM thành một thành phố “giàu có”; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên”.

Để hiện thực hóa một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng với tầm vóc trên một không gian rộng lớn của TPHCM rất cần sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng và cả những con người từ muôn phương đến với thành phố này.

Phát huy vai trò của báo chí

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, đặc biệt quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân Thành phố, tạo không khí phấn khởi trong thi đua xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì không thể thiếu vai trò tuyên tuyền, cổ động của báo chí.

Đọc sách tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Đọc sách tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Do đó, để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên mặt trận tuyên truyền, cần kiên định, thường xuyên khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị của các tấm gương đạo đức của Người. Đồng thời, gắn việc bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên tất cả các lĩnh vực.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng hành với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, báo chí với chức năng vừa là yếu tố cấu thành của văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hiện thực hóa xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, vừa là lực lượng đi đầu trong công tác tuyên truyền, cổ động và triển khai thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM.

Có thể thấy, những bài viết trên báo chí về không gian văn hóa Hồ Chí Minh đóng vai trò tạo dựng các giá trị cốt lõi trong việc thực hiện chức năng tư tưởng của truyền thông đại chúng. Qua những tác phẩm này đã góp phần củng cố và xây dựng những giá trị tinh túy trong hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng của giai cấp, là dân chủ, là yêu nước, vì con người và giải phóng con người, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, xã hội.

Mặt khác, nhìn nhận ở khía cạnh cơ chế tác động của báo chí với xã hội, những bài viết về không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp tạo dựng nên một kho tri thức lịch sử văn hóa của công chúng với những hệ giá trị tốt đẹp, vì cộng đồng và vì xã hội. Trên cơ sở đó, hệ thống các quan điểm về tính nhân văn, lòng nhân ái, sự bao dung, hướng về lợi ích chung… sẽ dần được hình thành và bền vững trong lòng công chúng xã hội.

Có thể nói, đây là phương tiện phát hiện những hình mẫu xã hội để công chúng học theo, tác động và tạo lập nên thế giới quan, nhân sinh quan của công chúng; làm lan tỏa các giá trị tử tế, tốt đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó hình thành nên những hành vi xã hội có tính lan tỏa, tạo ra sự đồng thuận xã hội nhân lên những giá trị tốt đẹp.

Mặt khác, báo chí có thể giúp phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để chính quyền hoàn thiện chính sách xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Hiện nay, các cơ quan báo chí hầu hết đã và đang sử dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền. Dù có nhiều rủi ro, chủ yếu là về kiểm soát thông tin, nội dung, bình luận, tương tác và an ninh thông tin, nhưng hầu hết các báo đều xây dựng cho mình tài khoản trên các nền tảng kỹ thuật số như kênh YouTube, lập fanpage trên Facebook, mở tài khoản TikTok…

Nếu tận dụng tốt các nền tảng này, việc lan tỏa thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cộng đồng cư dân ở các khu vực cụ thể (ví dụ tại TPHCM) sẽ trở nên hiệu quả hơn, thúc đẩy nhận thức đúng đắn hơn, hướng tới hoàn thiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhanh hơn, bền vững hơn.

Nói một cách dễ hiểu, báo chí cần phát triển theo xu hướng “đa nền tảng” để có thể phát huy vai trò tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức và định hướng hành vi một cách hiệu quả hơn, tạo nền tảng để phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời đại toàn cầu hóa thông tin.

Do đó, để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên mặt trận tuyên truyền, cần kiên định, thường xuyên khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị của các tấm gương đạo đức của Người. Đồng thời, gắn việc bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên tất cả các lĩnh vực.

Văn Vũ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-chi-trong-cong-cuoc-xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-436647.html