Báo chí trong phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam

Phong trào thi đua 'Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí' được phát triển sâu rộng tại các tòa soạn đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo.

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2023)

Tổng biên tập Nguyễn Thành Lợi trao khen thưởng các cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm Báo Kinh tế & Đô thị văn hóa”. Ảnh: Thanh Hải

Tổng biên tập Nguyễn Thành Lợi trao khen thưởng các cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm Báo Kinh tế & Đô thị văn hóa”. Ảnh: Thanh Hải

Môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa đã nhằm thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Tại Hội Nhà báo TP Hà Nội, quá trình triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam”, 9 Liên Chi hội, Chi hội nhà báo cơ quan báo chí đều đã tổ chức ký cam kết với cán bộ, PV, hội viên, trong đó tuân thủ 12 tiêu chí của phong trào đề ra. Đến nay, 100% các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo cơ quan báo chí Hà Nội đã triển khai và thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.

Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội cho biết: “Thông qua phong trào, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo Thủ đô văn hóa bước đầu đã tạo được nền nếp, tiếp nối truyền thống văn hóa của báo chí Hà Nội. Không có hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội, 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”.

Là cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên trang Pháp luật & Xã hội đã bám sát tôn chỉ, mục đích, giữ gìn giá trị cốt lõi của báo chí đó là tính chân thực, khách quan, xây dựng, vì lợi ích của đất nước, cộng đồng xã hội, nêu cao tính nhân văn, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”.

Phó Tổng Biên tập, Thư ký Liên Chi hội Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: “Kỷ niệm 98 năm và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) là dịp để chúng ta đánh giá kết quả phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm Báo Kinh tế & Đô thị” sau gần 1 năm triển khai thực hiện, kể từ khi phát động ngày 1/8/2022.

Có thể khẳng định, kể từ khi phát động phong trào thi đua và tổ chức ký cam kết “Xây dựng cơ quan văn hóa, người làm Báo Kinh tế & Đô thị văn hóa”, đến nay, hầu hết tập thể, cá nhân hội viên Liên chi hội Báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện tốt 12 tiêu chí (6 tiêu chí cho tập thể, 6 tiêu chí đối với cá nhân) theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Cùng với đó, các cán bộ, hội viên, PV trong cơ quan đã chấp hành nghiêm túc 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử trên môi trường mạng của người làm báo Việt Nam. Trong sinh hoạt nghiệp vụ và các buổi giao ban tuần, Ban Biên tập luôn đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ. Đó là tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm với công việc, tinh thần làm việc nhóm, hỗ trợ tương tác giữa các bộ phận.

Báo đã bám sát tôn chỉ, mục đích, giữ gìn giá trị cốt lõi của báo chí đó là tính chân thực, khách quan, xây dựng, vì lợi ích của đất nước, cộng đồng xã hội. Nêu cao tính nhân văn, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội…Với nhận thức như vậy, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị không có hội viên vi phạm đạo đức người làm báo. Việc tham gia mạng xã hội cũng được các cán bộ, hội viên chấp hành đúng quy định, ứng xử có văn hóa, trách nhiệm”.

Không gian văn hóa trong hoạt động báo chí

Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của Nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.

Một bộ phận không nhỏ báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mờ nhạt trong lòng bạn đọc…

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết. Vì thế, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải trong thời đại hiện nay phải đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa báo chí. Có như vậy, người làm báo sẽ tăng cường ý thức được trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Làm tốt việc tạo lập không gian không gian văn hóa trong hoạt động báo chí chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-chi-trong-phat-huy-gia-tri-van-hoa-va-suc-manh-con-nguoi-viet-nam-340706.html