Báo chí trước những thách thức của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo và các sản phẩm của nó khiến ngành Báo chí đứng trước sức ép lớn, buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin.

Các chuyên gia tại buổi hội thảo. (Ảnh: HSU).

Các chuyên gia tại buổi hội thảo. (Ảnh: HSU).

Đây là nhận định của nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại tại Hội thảo "Truyền thông và đào tạo truyền thông 2024", diễn ra tại TPHCM sáng 16/7.

Hội thảo do Báo Giáo dục & Thời đại phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức.

Cạnh tranh khốc liệt về thông tin

Theo nhà báo Dương Thanh Hương, trong vòng 10 năm qua, hầu hết các cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, X (tên gọi cũ Twitter), Instagram để đáp ứng nhiều tệp công chúng mới, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống.

Hiện công chúng không còn đơn thuần là khách hàng của báo chí chính thống mà còn là một khâu quan trọng trong sáng tạo sản phẩm truyền thông. Bối cảnh ấy buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi.

 Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại trình bày tham luận. (Ảnh: HSU).

Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại trình bày tham luận. (Ảnh: HSU).

Báo Giáo dục & Thời đại có đặc thù là một tờ báo ngành, đòi hỏi đội ngũ phóng viên, biên tập viên không chỉ nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, mà còn phải là những nhà báo năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với công nghệ và chuyển đổi số.

"Nhiều người nghĩ Báo vẫn phải phụ thuộc vào ‘bầu sữa’ ngân sách nhưng thực tế không phải. Chúng tôi lâu nay vừa đảm bảo thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến bạn đọc nhưng vẫn tự chuyển đổi và thích ứng để tìm kiếm nguồn lực kinh tế”, bà Dương Thanh Hương nói.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, báo chí có chất lượng sẽ không bao giờ sợ “chết”. Thông tin trên mạng xã hội càng nhanh, càng nhốn nháo thì báo chí tử tế càng dễ khẳng định giá trị.

Nhà báo Dương Thanh Hương cho rằng, điều quan trọng là Ban Biên tập định vị tờ báo của mình như thế nào và sẵn sàng theo đuổi lối đi của mình đến đâu. Quan trọng hơn là mức độ cam kết chất lượng của tờ báo đối với độc giả của mình.

ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đánh giá, vai trò của người làm truyền thông trong tương lai rất quan trọng. Các trường, các khoa đào tạo báo chí - truyền thông cũng phải xác định lại vai trò, mục tiêu, phương thức đào tạo.

"Hôm nay có sự tham gia của các nhà báo, chuyên gia truyền thông, tôi tin rằng kết quả sẽ đem lại những câu trả lời rõ ràng hơn về vai trò truyền thông với cuộc sống và trong công tác đào tạo trong thời kỳ chuyển đổi số”, ông Nguyễn Hải Ninh nói.

 ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HSU).

ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HSU).

Quan trọng nhất là con người

Tại hội thảo, TS Trần Bá Dung, Trưởng khoa Marketing - Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, hiện Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới (Blockchain, ChatGPT) vừa là động lực thúc đẩy báo chí - truyền thông phát triển, vừa là thách thức lớn, từ quản trị sản xuất nội dung đến đạo đức báo chí và các yếu tố pháp lý.

Đặc biệt, trong quản lý hoạt động báo chí, có những khó khăn và sức ép không dễ vượt qua. Điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội và đạo đức của báo chí trong việc khai thác, xử lý, cung cấp thông tin một cách chính xác và không lạm dụng công nghệ từ AI.

“Đạo đức là vấn đề cốt lõi, sống còn của người làm báo, người làm truyền thông - báo chí có tác động xã hội sâu sắc, mạnh mẽ, tức thời. Nhất là khi báo chí chuyển đổi số và ứng dụng rộng rãi AI”, ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.

TS Trần Bá Dung dẫn chứng, có rất nhiều tình huống vi phạm đạo đức người làm báo: Cố tình hoặc vô tình vi phạm pháp luật; thông tin sai sự thật; vi phạm bí mật quốc gia; xâm phạm đời tư; thông tin phản văn hóa, thiếu tôn trọng công chúng… Việc ứng dụng AI có thể dẫn đến những sai sót, vi phạm ngoài ý muốn.

 TS Trần Bá Dung, Trưởng khoa Marketing – Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen (phải) trình bày tham luận. (Ảnh: HSU).

TS Trần Bá Dung, Trưởng khoa Marketing – Truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen (phải) trình bày tham luận. (Ảnh: HSU).

Trong bối cảnh ứng dụng AI như một xu thế, báo chí số là bắt buộc, rất cần ứng xử phù hợp của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo. Người làm truyền thông phải khai thác trung thực, nhân văn, trách nhiệm, đẩy mạnh ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phát hành, tương tác và quản trị.

Đặc biệt từ khâu kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin khi sử dụng AI cần có quy trình của tòa soạn thẩm định, sàng lọc, phát hiện bài báo do AI viết hoặc sử dụng dữ liệu của AI.

 Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Quốc Hải).

Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Quốc Hải).

Nhìn nhận về sự ảnh hưởng của AI đến báo chí rất lớn nhưng theo nhà báo Dương Thanh Hương, nhân lực ngành Báo chí vẫn quan trọng nhất.

"Nhân lực là yếu tố then chốt, quan trọng nhất trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ cấp lãnh đạo cao nhất của một tờ báo là ban biên tập, đến lãnh đạo cấp phòng, ban và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tất cả phải đủ trình độ, năng lực để vận hành cỗ máy chuyển đổi số”, nhà báo Dương Thanh Hương nói.

Điều này đòi hỏi đội ngũ này cần thay đổi nhận thức và hình thành kỹ năng mới về chuyển đổi số. Gốc rễ của vấn đề là quá trình đào tạo nhân lực báo chí trong nhà trường, quá trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trong các cơ quan báo chí.

Nói về kinh nghiệm quản lý để thích ứng trong bối cảnh hiện nay tại Báo Giáo dục & Thời đại, nhà báo Dương Thanh Hương khẳng định, tòa soạn luôn đặt ra yêu cầu cho đội ngũ làm nội dung là luôn nhanh, tốc độ nhưng phải chính xác. Đây yêu cầu hàng đầu của thông tin mà Báo mong muốn mang đến cho độc giả.

“Sau yêu cầu nhanh và chính xác, thông tin mà Báo muốn hướng đến là sự hấp dẫn. Hấp dẫn chính là yếu tố để Báo giữ chân độc giả, mở rộng thị phần. Từ những yêu cầu đó, chúng tôi mong muốn đội ngũ nhân sự không chỉ 'hồng' về phẩm chất, đạo đức mà phải 'chuyên' về chuyên môn, công nghệ, chuyển đổi số”, bà Dương Thanh Hương khẳng định.

Để đạt mục tiêu này, mỗi phóng viên, biên tập viên của Báo Giáo dục & Thời đại phải ý thức về việc sử dụng công nghệ và thay đổi nhận thức về công nghệ. Đội ngũ nhân sự phải nắm vững các kỹ năng chuyển đổi số trong thời đại mới: công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng làm việc với AI, Chat GPT.

TS Võ Văn Tuấn -Phó Hiệu Trưởng kiêm Trưởng khoa Quan hệ Công Chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang cho biết, sự kết hợp giữa AI và sự sáng tạo con người mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành, với những cách tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.

Theo báo cáo "Digital 2022" của We Are Social và Hootsuite, tính đến tháng 1/2022, đã có khoảng 4,95 tỷ người dùng Internet toàn cầu, tăng 4% so với năm trước.

Báo cáo "State of Inbound Marketing Trends 2022" của HubSpot cho thấy, 72% chuyên viên Marketing đang áp dụng AI trong công việc, từ chatbots đến phân tích dữ liệu và cá nhân hóa nội dung.

Quốc Hải - Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-chi-truoc-nhung-thach-thuc-cua-tri-tue-nhan-tao-post691823.html