Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội
Mạng xã hội (MXH) đang ngày càng phổ biến, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia. Sự bùng nổ của MXH đã và đang tác động lớn đến báo chí chính thống. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các cơ quan báo chí và các nhà báo chuyên nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong “cơn bão” MXH, báo chí chính thống cần thay đổi, nhanh nhạy nắm bắt xu thế để tận dụng những lợi thế do MXH mang lại; bản thân nhà báo phải lăn xả vào thực tế sinh động để có thông tin chính xác, kịp thời, tạo nên sự khác biệt mà MXH không bao giờ có được.
* Chỉ ra thông tin giả trong “rừng thông tin” trên MXH
Hiện nay, việc lập một tài khoản MXH thật dễ dàng, việc đăng tải thông tin lên MXH cũng không gặp hạn chế nào. Để “câu view”, “câu like”, không ít tài khoản MXH đã đưa những thông tin giả, thông tin được thổi phồng quá mức, thiếu kiểm chứng, từ đó gây mất an ninh trật tự xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận.
Cuối tháng 5-2023, một tài khoản MXH đăng tin vỡ hụi ở xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Qua xác minh của Công an H.Thống Nhất, vụ vỡ hụi là có thật, nhưng số người tham gia dây hụi của khoảng 500 người và số tiền khoảng 80 tỷ đồng.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có lượng người dùng MXH lớn nhất thế giới. Trong đó, có 76,2 triệu người Việt Nam dùng Facebook (xếp thứ 7).
Hoặc trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, một số tài khoản MXH đã đăng tải những thông tin sai sự thật, giật gân về tình hình dịch bệnh khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Như chiều 19-7-2021, trên MXH Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh một người đàn ông đang tự thiêu được cho là tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cùng nhiều bình luận cho rằng, người tự thiêu vì “bức xúc về cách chống dịch Covid-19 của TP.HCM”… Sau đó, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vào cuộc điều tra và xác định thông tin này là giả nên đã bắt giữ người đưa thông tin này lên MXH để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nhiều ý kiến cho rằng, MXH có những lợi thế riêng. Đó là có thể đăng tải thông tin, hình ảnh, clip mọi lúc, mọi nơi và ai cũng có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên”, “bình luận viên”, thậm chí là… “tổng biên tập”. Trong khi đó, báo chí chính thống cần có thời gian để tìm hiểu thông tin chính xác, phải biên tập kỹ lưỡng trước khi đăng, nên có độ trễ nhất định.
* Báo chí phải nhanh và sâu hơn
Đứng trước “cơn bão” MXH, cơ quan báo chí chính thống cũng như người làm báo chuyên nghiệp nhận ra, đây chính là thách thức và là cơ hội để báo chí chính thống khẳng định vai trò truyền thông, định hướng dư luận, giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng thời đấu tranh với những luận điệu sai trái, những điều xấu độc trong xã hội.
Bà Trần Thu Hà, giáo viên về hưu ngụ P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, khi có thông tin “nóng” xuất hiện trên MXH, không ít người đã đọc, chia sẻ và tương tác rất nhiều. Việc tiếp tay đưa những thông tin chưa được kiểm chứng đi xa hơn là rất tai hại. “Khi tiếp nhận thông tin “nóng” nào đó từ MXH, tôi thường tìm đọc thông tin đó trên những tờ báo chính thống như Báo Đồng Nai (nếu thông tin xảy ra trên địa bàn) để có được sự chính xác, chân thật và khách quan” - bà Hà cho biết.
Là người thường xuyên đọc báo giấy, cũng dùng cả MXH, cán bộ lão thành cách mạng Đặng Đức Hòa (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, những thông tin trên internet mạnh như nước lũ, báo chí không thể “đi ngược” dòng lũ, cũng không thể loại bỏ MXH, mà phải “sống chung”, tận dụng lợi thế, điểm mạnh từ MXH để nắm bắt những thông tin đầu tiên, sớm nhất được MXH đưa lên - dù chưa đầy đủ, chưa chính xác - nhưng đó là “nguyên liệu” ban đầu để báo chí chính thống khai thác, sau đó nhanh chóng đi sâu tìm hiểu để có thông tin chính xác, tin cậy cho bạn đọc.
Phó giám đốc Sở TT-TT GIANG THỊ THU NGA:Phát huy tính chuyên nghiệp của báo chí
Sự phổ biến và lan tỏa của MXH đã giúp người dùng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn và đây là điều kiện để thông tin giả được phát tán đi nhanh hơn, xa hơn do tính chất kết nối đa chiều. Việc kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan và chân thực không chỉ là nhiệm vụ của báo chí mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Với những lợi thế là đem lại thông tin có độ tin cậy cao, giúp định hướng dư luận xã hội, báo chí truyền thống đã và đang cổ vũ, tạo ra sức mạnh đoàn kết. Do đó, báo chí cần phát huy tối đa lợi thế này thông qua việc nâng cao chất lượng thông tin, đa dạng các kênh thông tin, đổi mới hình thức truyền tải để tiếp cận đông đảo công chúng, bạn đọc. Chẳng hạn như việc sử dụng nền tảng MXH để tăng số lượng người đọc, giúp nhà báo tương tác tốt hơn với độc giả và mở rộng tầm ảnh hưởng của báo chí chính thống, lan tỏa thông tin báo chí qua MXH .
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai MAI SÔNG BÉ: Báo chí cần tận dụng MXH như một công cụ hỗ trợ đắc lực
Trước sự bùng nổ của MXH, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần biết tận dụng MXH như một công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến bạn đọc và tăng tính tương tác với bạn đọc mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn với bối cảnh của thời đại 4.0. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, không tỉnh táo thì báo chí rất dễ bị sa vào những thông tin giả, sai sự thật trên MXH hoặc trở thành công cụ sản xuất nội dung cho MXH.
Hiện nay, dù MXH có số lượng thông tin cực kỳ lớn, phù hợp nhu cầu tiếp nhận của nhiều người nhưng hầu hết chưa được kiểm chứng, thiếu độ tin cậy. Trong khi đó, báo truyền thống có những lợi thế mà MXH không bao giờ có được, đó là được tiếp cận nguồn thông tin chính xác và đầy đủ từ cơ quan chức năng. Do đó, để giữ được giá trị của mình, báo chí cần phát huy tối đa lợi thế này thông qua việc nâng cao chất lượng thông tin, đa dạng các tuyến tin bài, phong phú cách thức truyền tải để tạo niềm tin đối với công chúng...
An Nhiên (ghi)