Báo chí - Truyền thông cần đi đầu trong chuyển đổi số

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thăm và nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Phú Yên về CĐS trong báo chí - truyền thông. Ảnh: TRẦN QUỚI

Chuyển đổi số (CĐS) về tổng thể là quá trình thay đổi toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. CĐS chi phối, tác động trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí, truyền thông.

Báo chí địa phương sẽ phải làm gì để đẩy nhanh công cuộc CĐS, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT xung quanh nội dung này.

* Thưa ông, CĐS là một yêu cầu tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0, bao trùm toàn bộ lĩnh vực, là xu hướng toàn cầu hóa, điều này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với ngành Báo chí - Truyền thông?

- Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển từng ngày, từng giờ của công nghệ thông tin, nó tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, và báo chí tất nhiên không nằm ngoài xu thế đó.

Một ví dụ về thói quen, trước đây, ai quan tâm đến tin tức thì sáng dậy, tìm mua một vài tờ báo, về nhà hay đi công tác ở khách sạn, chọn ngay kênh truyền hình mình quan tâm để xem các bản tin. Còn bây giờ, tối đến, khi kết thúc công việc một ngày, chúng ta đã có thể tóm lược những thông tin trong ngày, diễn ra trong đêm, thậm chí sẽ diễn ra vào ngày hôm sau hoặc chúng ta cập nhật tin tức mới nhất trong ngày, bất kỳ lúc nào, ở đâu, miễn là có kết nối internet, wifi, 4G…

Trong bối cảnh như vậy, báo chí truyền thông phải đối diện với ba vấn đề lớn: đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của công chúng trong kỷ nguyên số; đảm bảo kinh tế báo chí, và hoàn thành sứ mệnh truyền thông về công cuộc CĐS cho đất nước. Tất nhiên còn nhiều vấn đề khác như an toàn, an ninh thông tin chẳng hạn.

CĐS báo chí sẽ giải được căn cơ bài toán này.

Năm 2022 được Chính phủ xác định là năm tổng tiến công về CĐS. Vì vậy, báo chí phải tiên phong trong nhiệm vụ này, vì muốn truyền thông về CĐS cho toàn xã hội làm theo thì báo chí phải CĐS trước, thì mới có thể truyền thông hiệu quả nhiệm vụ rất quan trọng này.

Ông Trần Thanh Hưng

Ông Trần Thanh Hưng

* Những lợi ích nổi bật nào nếu báo chí thực hiện CĐS? Báo chí truyền thống phải thay đổi như thế nào trước áp lực của mạng xã hội và nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng?

- Theo các chuyên gia, CĐS không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, mà là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, thay đổi mô hình hoạt động; là việc tư duy lại cách thức tổ chức, sử dụng dữ liệu và quy trình; là thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng việc áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing)… Những điều này mang lại kết quả là tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới. Như vậy, rõ ràng là nếu báo chí thực hiện CĐS thì báo chí cũng như nhiều lĩnh vực khác, không bị bỏ lại phía sau, thậm chí không bị loại khỏi cuộc chơi trong xu hướng này.

CĐS sẽ giúp báo chí tăng cường việc bảo vệ các nền tảng tư tưởng của Đảng, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhất là trên không gian mạng; chủ động phản bác thông tin sai lệch, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực những vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận xã hội, lan tỏa những việc làm luôn hướng đến các giá trị chân thiện mỹ; qua đó lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng phát triển trong mỗi con người, mỗi cộng đồng…

Có thể nói báo chí truyền thống cần phải thay đổi trước áp lực của truyền thông xã hội và sự thay đổi trong tiếp cận thông tin của công chúng. Sau 22 năm internet có mặt tại Việt Nam (tính từ ngày 19/11/1997, internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước), Việt Nam đã có hơn 60 triệu người dùng, xếp thứ 20 trong số quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng internet nhiều nhất và xếp thứ 18 trong số quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng facebook và Youtube nhiều nhất. Mặt tích cực cho thấy người dân Việt Nam rất năng động trong hội nhập với thế giới phẳng. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng, trong đó có áp lực với báo chí truyền thống về thông tin trên mạng xã hội…

Trước hết là công chúng chưa phân biệt được thông tin ban đầu trên mạng xã hội và tin tức chính thống của báo chí. Hễ thấy mạng xã hội đưa thông tin gì là người ta quan tâm ngay, ít tìm hiểu đến nguồn tin, mục đích người đưa ra thông tin đó để làm gì? Trong khi báo chí chính thống chúng ta yêu cầu phóng viên phải xác thực nguồn tin, qua rất nhiều khâu biên tập, kiểm duyệt… Chính vì thế, bên cạnh việc đa phương tiện để cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi, báo chí truyền thống cũng phải tính toán lại quy trình sản xuất, phân phối nội dung, nhất là thể loại tin tức, để làm sao đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin cho công chúng, không để cơ hội cho tin giả quấy rối.

Về tin giả, hiện nay nhiều nước trên thế giới, như: Anh, Pháp, Malaysia, Singapore… đều có những định nghĩa về tin giả (fake news) theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung đều thống nhất tin giả là những thông tin phản ánh sai lệch một phần hoặc toàn bộ so với sự thật, do một chủ thể cố ý tạo ra nhằm phục vụ một mục đích, ý đồ riêng nào đó. Bên cạnh đó, thông tin xấu độc phát tán trên môi trường mạng còn là những thông tin bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, lẫn lộn đúng sai - thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch.

Mọi người đều phải có trách nhiệm phòng chống tin giả, trong đó báo chí phải đi đầu để bảo vệ dòng tin tức chính thống của mình; đưa thông tin chính thống vào không gian mạng, không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống. Công chúng cũng phải có trách nhiệm trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện, phòng tránh tin giả, bắt đầu bằng việc chia sẻ có trách nhiệm, hoặc hạn chế chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng.

Đối với ngành TT-TT và cơ quan quản lý về các nền tảng truyền thông, phải có những biện pháp đón đầu, ngăn chặn từ gốc.

* UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình CĐS của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đây là một thuận lợi về chủ trương, hành lang pháp lý. Vậy khi thực hiện, báo chí - truyền thông và các cơ quan báo chí địa phương cần phải làm gì để triển khai đạt hiệu quả CĐS, thưa ông?

- Việc tỉnh Phú Yên phê duyệt Chương trình CĐS của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, chuẩn bị ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS, Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện nghị quyết về CĐS… là những căn cứ hết sức quan trọng cho các ngành, các địa phương xây dựng các nghị quyết, kế hoạch hoặc chương trình hành động về CĐS ở cơ quan, địa phương mình, trong đó có các cơ quan báo chí. Nhưng CĐS bên cạnh hành lang pháp lý, giải pháp công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin… thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của người đứng đầu.

Đối với các cơ quan báo chí địa phương, cái khó là chúng ta ở địa phương ít có sự cạnh tranh gay gắt về báo chí, cạnh tranh về thông tin, về kinh tế báo chí… Thứ hai là về cơ bản báo chí Phú Yên vẫn còn được bao cấp trong sản xuất nội dung. Thứ ba là thói quen cộng với tuổi tác của số đông nguồn nhân lực nên nhiều người ngại tiếp xúc với công nghệ. Chính vì thế, mỗi cơ quan báo chí cần có kế hoạch dài hạn (5 năm) và trong năm với những mục tiêu cụ thể thì mới có thể CĐS nhanh chóng và hiệu quả.

Quan trọng nhất trong CĐS đó chính là dữ liệu. Muốn số hóa dữ liệu thì cần phải có kho chứa dữ liệu (data center), có nhân lực để làm việc đó. Sản phẩm báo chí mang tính đặc thù, liên quan đến vấn đề bảo mật, bản quyền... Sau dữ liệu, là vấn đề tổ chức lại mô hình sản xuất, phân phối nội dung, xây dựng thương hiệu… trong xu hướng tòa soạn hội tụ, đa sản phẩm, đa nền tảng, kết nối - chia sẻ được dữ liệu để gia tăng giá trị nội dung.

Nói tóm lại là có rất nhiều việc phải làm, chỉ cần có quyết tâm của người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, vấn đề hạ tầng, giải pháp công nghệ không phải là vấn đề khó.

* Xin cảm ơn ông!

TRẦN QUỚI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/277914/bao-chi-truyen-thong-can-di-dau-trong-chuyen-doi-so.html